“Ổi vườn đây, ổi vườn đây. Ai mua...", tiếng rao của một người bán ổi dạo thoáng qua cũng làm thằng bé tò mò. Nó kéo chốt khóa, mở cái ô sắt nhỏ (dùng để thò tay mở khóa cổng) nhìn ra đường, ngóng theo người bán ổi rong.
Đó là ngày thứ 2, khi Sài Gòn thực hiện “cách ly xã hội” và là ngày thứ chín gia đình tôi đóng cửa, không đi ra đường.
Con hẻm nhỏ trước nhà mấy hôm trước vẫn còn một vài đứa rẻ chơi đùa lao xao, giờ cũng im ắng hẳn. Tôi dặn con tuyệt đối không được mở cửa ra ngoài, thằng bé chỉ quanh quẩn trong sân.
Thỉnh thoảng, thấy đứa trẻ nào đi ngang qua, hay có có tiếng người lạ, thằng bé lại ngóng ra, mặt buồn thiu. Tôi nhìn con, cũng rầu theo. Nhưng phải cách ly triệt để thôi, biết làm sao bây giờ vì cứ mở điện thoại đọc báo lại thấy số ca nhiễm COVID-19 tăng lên liên tục.
|
Trẻ ở nhà lâu ngày tù túng, thèm được gặp bạn bè, thèm được giao tiếp. Ảnh: H.N |
Tôi gọi điện cho bạn bè, hỏi thăm tụi nhỏ bị cách ly có tù túng không. Ai cũng than, nếu tình hình này kéo dài cả tháng không biết bọn trẻ sẽ ra sao.
Có chị bạn còn nhắn cho cái ảnh chế, nói bác sĩ tâm lý khuyến cáo trong thời gian ở nhà chống dịch để tránh stress, việc bắt chuyện với cây cối, động vật, thậm chí bát đĩa trong nhà là bình thường… Đọc xong, tôi phì cười rồi giật mình chột dạ, đến người lớn còn tù túng đến thế thì tụi nhỏ buồn chán đến cỡ nào.
Một chị bạn của tôi kể, con chị ở nhà buồn quá, nó thèm được giao tiếp, thèm nghe tiếng người khác nên lén lấy điện thoại của bố gọi khắp nơi, rồi còn rủ bạn của bố tới nhà chơi.
|
Nhiều gia đình ở Sài Gòn chỉ có một đứa con nên những ngày cách ly chống dịch càng dài đằng đẵng. Ảnh: H.N |
Trước hôm “cách ly xã hội”, sợ con buồn, tôi cũng gọi điện cho cậu em hỏi thăm tình hình phòng chống dịch ra sao, rồi dặn nếu ở phòng trọ chật chội thì dọn qua nhà chị ở, đến khi nào hết cách ly thì về.
Nghe nói có cậu đến nhà ở, thằng bé nhà tôi mừng rỡ nhảy cẩng lên. Nó chạy vội về phòng của mình thu dọn quần áo rồi hớn hở nói: Con sẽ nhường phòng con cho cậu ở.
Hôm sau, cậu em tôi đổi ý, hắn quyết định về quê. Nó còn hỏi, gia đình chị có về không. Tôi bảo tình hình lây nhiễm đang phức tạp, đang ở đâu thì ở đó, về quê làm gì.
Khi nghe tin cậu về quê, không dọn đồ qua ở, thằng con tôi bật khóc rưng rức. Nó ấm ức nói, chắc ba mẹ không muốn cho cậu qua ở chung chứ đang dịch mà cậu về quê làm gì.
Nó khóc hơn một tiếng đồng hồ, dỗ hoài mới nín. Rồi nó lấy điện thoại gọi cho cô Út, rủ cô út qua ở cho vui. Cô Út nói không qua được, nó lại buồn so, ngồi co ro chẳng buồn xem bộ phim hoạt hình đang chiếu dở.
Hôm nay, đã ngày thứ 4 của đợt “cách ly xã hội”, nhà hết thức ăn, phải gọi đặt hàng qua mạng. Khoảng 2 tiếng sau thì thì người giao hàng tới. Tôi ra mở cổng, thằng bé nó cũng chạy ra. Mặt nó hớn hở, miệng nói líu lo.
Khi người giao hàng đi khuất, nó vẫn còn ngóng ra đường, rồi quay sang dặn mẹ: “Ngày mai mẹ gọi đặt thêm món gà nướng cơm lam đi cho người ta mang tới đi”.
Tôi thật sự bối rối. Không biết thằng bé muốn ăn gà nướng cơm lam hay nó chỉ muốn cánh cổng sắt được mở ra.
Theo Hoàng Mến/Báo Phụ nữ