Tử vong vì rượu pha cồn công nghiệp
Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang có chiều hướng gia tăng. Từ tháng 11/2021 đến ngày 14/12, Trung tâm tiếp nhận tổng cộng 13 bệnh nhân ngộ độc methanol, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong (chiếm gần 50%). Hầu hết các trường hợp đều nhập viện muộn. Có trường hợp đã rơi vào tình trạng hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
|
Các y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu methanol tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm vừa điều trị 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 46 đến 72 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến trước. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL.
Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng xấu. Bệnh nhân còn lại gặp các di chứng với não và mù. Khai thác bệnh sử cho thấy các bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và uống rất nhiều rượu.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, tối hôm đó, bệnh nhân uống rượu cùng các cháu (rượu cháu mua không rõ nguồn gốc) và uống nhiều. Đến 6 giờ sáng hôm sau tỉnh dậy, bệnh nhân kêu nhức đầu, nhấc người khỏi giường đã ngã vật ra đất, sau đó ngất đi. Người nhà phải đưa vào viện cấp cứu.
"Nhận diện" rượu pha cồn công nghiệp
|
Nhiều người nguy hiểm tính mạng chỉ vì rượu chứa cồn công nghiệp. |
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.
TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn”.
Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn. Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đây cũng là lý do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc. “Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn. Bởi lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử” – BS Nguyên nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam thường do những kẻ kinh doanh rượu phi pháp, mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai, hoặc pha thành các loại rượu giả có thương hiệu bán trên thị trường để thu lợi bất chính, gây ngộ độc. Phần nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng. Trung tâm Chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao và đều báo cáo Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng.
“Để chủ động phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng, ví dụ loại chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu.
Người dân nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm trước và sau Tết Âm lịch sắp đến gần”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Cách xử trí sau khi uống rượu
Khi uống rượu thấy chếnh choáng nên tìm cách gây nôn. Ngoài ra, uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Nên uống thêm các loại nước: Nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
Nếu người uống rượu say ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết. Ngoài ra, không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu hoặc không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic... và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Đặc biệt, không nên uống các loại thuốc chống nôn, vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể.
Hạnh Hoàng