Theo các chuyên gia, thực tế là việc tắm vào mùa đông quá sạch sẽ như vậy không chỉ ảnh hưởng xấu đến làn da mà còn gây cho bạn không ít vấn đề về sức khỏe.
|
Ảnh minh họa - Internnet |
Nguy cơ nhiễm phong hàn
Trong những ngày đông lạnh, không ít người cứ hễ tắm xong bị cảm lạnh, bị ốm. BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105, giải thích điều này là do sự thích nghi của cơ thể chậm hơn trong điều kiện thay đổi nhiệt độ khi tắm. Thói quen tắm ngay sau khi vận động, hoặc khi cơ thể đang lạnh lại muốn tắm nước nóng ngay cho ấm, hoặc khi tắm xong lại ra ngoài ngay khi chưa mặc đủ ấm,... tất cả những điều này đều là nguyên nhân khiến bạn dễ bị nhiễm lạnh, bị cảm. Việc tắm gội hàng ngày sẽ khiến nguy cơ nhiễm lạnh tích tụ thêm nhiều, ngấm sâu vào cơ thể dẫn đến chứng cảm phong hàn.
Trong nhiều trường hợp, người bị nhiễm phong hàn do sức khỏe tốt nên không nhận thấy những biểu hiện mà chỉ nghĩ đơn giản là cảm thấy lạnh vì trời rét. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu lại làm ấm cơ thể bằng cách xối nước nóng. Sự thay đổi từ lạnh sang nóng đột ngột có thể dẫn đến tình trạng giãn mạch, là một trong các nguyên nhân gây đứt, vỡ mạch máu, đột quỵ,...
BS John Scurr, chuyên gia phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện Đại học London (Anh) cũng cho hay nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra do nhiệt độ quá lạnh gây co mạch đột ngột, bởi các động mạch nhỏ cung cấp máu cho da bị hẹp, tạm thời co thắt, hạn chế lưu thông máu đến các đầu mút cơ thể. Tình trạng này nhẹ thì có thể gây ra bệnh tê buốt ngón tay, ngón chân, chóp mũi, tai...; nặng hơn có thể dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ. Vì vậy, sau khi tắm xong, cần lau khô người, mặc thật ấm và tốt nhất là sấy tóc ngay trước khi bước ra khỏi phòng tắm để tránh cơ thể nhiễm lạnh. Trong phòng tắm nếu sử dụng các loại đèn sưởi thì không được để nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài. Khi từ trong phòng bước ra ngoài trời cần chú ý có khoảng chờ nhiệt độ để cơ thể thích nghi dần.
Một lý do nữa khiến bạn không nên tắm hàng ngày vào mùa đông là vì tắm quá nhiều với nước nóng sẽ khiến da bị mất đi độ ẩm nhất định, dễ gây kích ứng, khô nẻ, thậm chí thường xuyên tắm lâu trong nước nóng không chỉ khiến da mà cơ thể cũng mất nước, gây mệt mỏi.
Tắm sao cho đúng?
Mùa đông thời tiết khắc nghiệt và lạnh giá nên việc tắm nhiều, tắm không đúng cách sẽ gây không ít vấn đề sức khỏe như vậy. Các chuyên gia khuyến cáo, mùa đông bạn chỉ nên tắm 2-3 lần mỗi tuần, trong những ngày không tắm có thể dùng khăn mềm và nước ấm loại bỏ vi khuẩn ở vùng nhạy cảm như nách, bộ phận sinh dục.
Mỗi lần tắm cũng không nên kéo dài, chỉ 7- 10 phút là thời gian vừa đủ, tránh cho cơ thể không bị quá lạnh, da không bị khô, mất nước. Nước tắm nên pha với tỉ lệ là 2 lạnh, 1 nóng là vừa đủ. Khi tắm không nên dội nước nóng ào ào hoặc dội thẳng nước từ đầu xuống chân chân, hãy bắt đầu tắm bằng cách xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới đến toàn bộ cơ thể để cơ thể từ từ thích nghi. Khi tắm xong, bạn nên dùng khăn bông mềm thấm khô da thay vì chà xát mạnh khiến cơ thể tăng nguy cơ kích ứng da. Sau khi lau người, đừng quên dưỡng ẩm để khóa độ ẩm giữ lại trên da lâu hơn.
Tắm khuya, tắm sau khi ăn xong, tắm khi cơ thể đang mệt mỏi, tắm khi cơ thể đang lạnh, cũng là những điều cần tránh. Ngay sau khi ăn việc tắm có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thức ăn, dẫn đến các bệnh về tiêu hóa. Tốt nhất chỉ nên tắm 1 hoặc 2 tiếng sau khi ăn. Bạn có thể nghĩ khi mệt mỏi việc tắm nước ấm sẽ giúp sảng khoái hơn; tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy tắm khi đang mệt mỏi dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe mạch máu. Vì vậy, khi mệt mỏi, khi vừa luyện tập hãy nghỉ ngơi cho cơ thể lấy lại sức rồi mới tắm.
An Lê