Không phải vị khách nào đến thăm các tỉnh vùng cao Tây Bắc đều có “thần kinh thép” để thử món nậm pịa cực dị. Đó là món ăn làm từ tiết, đuôi, bạc nhạc, lòng, phổi,…và còn có cả… phân non.
“Nậm” có nghĩa là “canh” trong tiếng Thái, còn “pịa” là chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, còn được gọi là phân non.
|
Nậm pịa - món ăn khiến nhiều người sợ tái mặt. Ảnh minh họa |
Để làm ra món nậm pịa Tây Bắc đúng kiểu thì phải hiểu hết các loại gia vị để thêm vào cho món ăn này. Cụ thể, để nấu món nậm pịa, nhất định phải có loại gia vị đặc trưng là mắc khén cùng nhiều gia vị khác như sả, ớt… Đặc biệt, người ta cũng thêm mật và lá đắng để tạo thêm vị đặc trưng cho món ăn.
Xương bò hoặc xương dê được đem ninh lấy nước trong nhiều giờ liền cho đến khi đủ ngọt, đủ ngậy, rồi mới đổ pịa cùng các thành phần lục phủ ngũ tạng vào ninh cho đến khi chuyển màu nâu sền sệt là thành công.
Nậm pịa được bày ra tô hoặc bát nhỏ khi còn nóng, màu bên ngoài không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi.
Ăn thử miếng đầu tiên thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi, nhưng sau đó thì để lại vị ngọt, béo trong cuống họng.
Món này thường được ăn kèm thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng. Hay nhất là bạn có yếu bụng đến đâu cũng không hề gì khi thử món ăn.
Món nậm pịa rất ngon và có nhiều công dụng. Trong đó, một trong những công dụng đặc biệt của nó là giải rượu rất tốt. Nếu ai đã từng đi du lịch Tây Bắc mà chưa thưởng thức món nậm pịa này thì coi như chưa tường hết ẩm thực độc đáo của vùng đất này.
Theo Hà Linh /Đời sống & Pháp luật