Thương mại hóa đám cưới?
Nghe nói cô dâu, chú rể trong đám cưới nọ ở Hà Nội nhận tiền mừng theo kiểu không đụng hàng này đều làm nghề kinh doanh nên họ tận dụng luôn máy quẹt tại cửa hàng đưa vào đám cưới. Hình ảnh chú rể, cô dâu bận bịu tay quẹt thẻ, mắt soi điện thoại kiểm tra tài khoản, đã nhận được những bình luận trái chiều. (Tại đám cưới vẫn có hộp hình trái tim dành cho những ai thích mừng cưới bằng hình thức truyền thống, bỏ phong bì).
Nhiều bạn trẻ có vẻ thích thú và khuyến khích nên nhân rộng mô hình mừng cưới công nghệ vì “đơn giản, thuận tiện, thời đại 4.0 cơ mà. Từ công sở chạy thẳng đến đám cưới, trong ví không sẵn tiền mặt lại phải tìm cây ATM để rút tiền, sau đó lại phải đi mua một chiếc phong bì nhét tiền vào, rồi lại ghi tên người mừng kèm lời chúc xã giao… nhiều khi rắc rối, phức tạp”, anh Minh Hoàng, 32 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Một ý kiến khác còn khuyến khích không nên chỉ dừng ở mừng cưới công nghệ mà mời cưới cũng nên hiện đại hóa: “Bạn có dám đi đám cưới mà không có phong bì không? Như nhau cả, đừng xoắn. Tớ lại thấy thế tiện cả đôi đường, đỡ phải vứt một đống thiệp khi không còn dùng đến nữa, hoặc có thể đỡ cả tiền in thiệp nếu mời online… Tiết kiệm được bao nhiêu là tiền”. Hình thức mừng cưới này cũng được không ít người công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ủng hộ nhiệt liệt.
Tuy nhiên, theo kết quả bình chọn ở một trang báo điện tử quanh câu hỏi: “Bạn nghĩ sao về chuyện mừng cưới bằng hình thức quẹt thẻ?”, số người cho rằng hình thức trên văn minh, tiện lợi chỉ chiếm 2,17%. Số người thấy hơi thiếu tế nhị nhưng cũng tạm chấp nhận chiếm 5,99%. Ý kiến khác chiếm 1,66%. Còn lại, 90,18% cho rằng hình thức này “thương mại hóa đám cưới”, quá vật chất và trần trụi.
Xem cảnh clip mừng cưới thời công nghệ số một bạn bình: “Nhìn cảnh chú rể cầm máy quẹt thẻ và đưa thẻ của bạn vào quẹt để lấy tiền thấy vật chất sao đó, sau này gặp nhau ăn nói sao trừ khi anh chàng mặt dày cả mét”. Những ý kiến khác: “Mất hay. Đi ăn cưới mà tưởng đi mua hàng ở siêu thị. Phải thanh toán mới lấy được hàng”; “ Làm thế này sẽ biết ngay khách mừng nhiều hay ít. Nếu khách chỉ mừng 200 ngàn đồng, cô dâu chú rể có tỏ thái độ không?”; “Thực tế quá cũng không hay vì mất tế nhị”.
Đành rằng, mừng tiền trong đám cưới vốn là “lệ” lâu nay ở ta. Song trong trường hợp này, tiền được coi như món quà chúc phúc, không phải như phương tiện trao đổi mua bán. Thế nên, tặng quà và nhận quà cũng cần tinh tế. Hình thức bỏ phong bì vào hộp trái tim được nhiều người chấp nhận vì thế. Thực ra hình thức quẹt thẻ để nhận tiền mừng đám cưới cũng không phải sáng tạo của cô dâu- chú rể ở Hà Nội.
Có thể họ đã bắt chước một đám cưới diễn ra vào tháng 8 năm 2017, được cho là ở Trung Quốc, gây xôn xao cộng đồng mạng khi chú rể, cô dâu sau màn chào đón khách, đã diễn màn quẹt thẻ. Ngay khi video được phổ biến công khai, nhiều người đã cho đó là một câu chuyện hài hước, khó tin. Rất nhiều bình luận “lầy” xuất hiện, chẳng hạn: “Phải lập hẳn mấy cái thẻ với các ngân hàng khác nhau chuyển tiền cho đỡ mất phí, cứ tài khoản chú rể thuộc ngân hàng nào là giơ cái thẻ ấy ra quẹt thôi”.v.v…
“Xuống sổ” ở vùng cao
Ở Cao Bằng, nơi sinh sống của rất đông đồng bào dân tộc Tày, có một lệ mừng cưới cũng thuộc hàng “độc, lạ”: Xuống sổ. Thay vì quẹt thẻ hoặc bỏ phong bì, khách đọc số tiền muốn mừng để những người được cắt cử làm nhiệm vụ ghi sổ ghi lại. Hình thức này đã xuất hiện từ bao giờ, không ai biết. Cho đến nay “xuống sổ” vẫn tồn tại, được nhiều người dân vùng cao coi như một “phong tục địa phương” không thể xóa bỏ.
Chị Nông Huyền, một “chuyên gia” ghi sổ đám cưới cho biết: “Trước đây, không có thùng thả phong bì, khách đến ghi sổ và xuống “tiền truồng”. Bây giờ, văn minh hơn đám cưới nào cũng có thùng để thả phong bì nhưng khách tới dự đám cưới vẫn mang tâm lý chung, cứ đến bàn đọc tên, đọc số tiền để người ta ghi vào sổ cho chắc”.
Chị còn khoe một sáng tạo sắp tới: “Đọc đám cưới thời công nghệ rồi, Hà Nội có quẹt thẻ thì ở một đám cưới sắp tới chúng tôi sẽ phá cách, chơi trội vào sổ bằng laptop, trên file excel (nôm na, phần mềm kế toán) luôn”. Chúng tôi hỏi chị: Thông thường một đám cưới có bao nhiêu người ghi sổ?
Chị lấy ví dụ: “Đám cưới 110 mâm thì cần 3 cặp ghi sổ, tức 6 người”. Mỗi một cặp ghi sổ lại phân công như sau: 1 người ghi sổ, 1 người nhận tiền. Chị giải thích: “Nếu không rất dễ nhầm. Ví như người ta đọc cho mình ghi nhưng chưa đưa tiền. Hoặc đọc 500 ngàn đồng lại đưa 400 ngàn đồng. Hoặc đọc tên 2 người nhưng đưa tiền 1 người. Người ta có khi không cố tình nhưng vì quá đông.
Thường cỗ nhà gái ăn lúc 10h 30 phút sáng, nhà trai ăn lúc 4 giờ hoặc 4 giờ 30 phút chiều, tầm giờ đó khách đến ào ào xúm vào ghi sổ nên rất hay nhầm”. “Ê-kip” chuyên nghiệp thế mà chị thú nhận: “Đám nào cũng có thể bị nhầm vài ba trăm ngàn (đồng)”. Chúng tôi hỏi phản ứng của gia chủ khi người ghi sổ làm hụt mất vài trăm ngàn tiền mừng cưới, chị cười vui vẻ: “Thường gia chủ bảo không sao đâu. Vì quá đông mà”.
|
Bàn ghi sổ đám cưới ở Cao Bằng. |
Những người được chọn ghi sổ thường là người thân tín, có thể là họ hàng, có thể là đồng nghiệp trong cơ quan. Ngoài ra, người được chọn ghi sổ còn có ưu điểm chữ đẹp, viết nhanh nhưng ít bị nhầm và nhất định phải là phụ nữ. Mấy cặp ghi sổ làm việc hết công suất và đầy trách nhiệm để phục vụ đám cưới: “Chúng tôi phải ngồi ở bàn ghi sổ trước khi tiệc cưới bắt đầu khoảng 1 tiếng. Khi nào khách vào ăn hết thì mới bỏ phong bì ra kiểm. Đến bao giờ kiểm chuẩn, người cầm tiền và người ghi sổ khớp nhau mới đi ăn cơ. Vì không kiểm chuẩn tiền nuốt cơm không trôi. Nên người ghi sổ thường là người ăn sau cùng nhất, thậm chí ăn cỗ vét nếu đám nào thiếu cỗ”, chị Nông Huyền chia sẻ.
Hỏi một vài người Cao Bằng, từ những cán bộ về hưu, như ông Vũ T., từng là giáo viên dạy Văn, ông cho rằng: “Đó là một phong tục tập quán địa phương”. Tiến sỹ Triệu Thị Kiều Dung, người dồn nhiều tâm sức nghiên cứu văn hóa Tày, cũng không phản đối câu chuyện này: “Chuyện “xuống sổ” đã tồn tại lâu đời. Nó thể hiện trách nhiệm của người với người thôi. Người ta ghi lại để sau này biết đáp lễ”.
Theo TS Triệu Thị Kiều Dung, ở quê trong đám cưới ngoài tiền mừng còn kèm theo hiện vật cần thiết cho đời sống của vợ chồng trẻ như chăn, màn… hoặc rượu, gạo.. phục vụ cho đám cưới. Có thể, trước đây, hình thức bỏ tiền vào phong bì không phổ biến ở vùng cao, cho nên, hình thức ghi sổ mừng cưới mới ra đời. Đám cưới ở vùng cao ngày trước không chỉ diễn ra trong vài giờ mà kéo dài vài ngày nên chỉ có hình thức ghi sổ mới giúp gia chủ kiểm soát được mình “nợ” khách những gì, để sau này còn “trả nợ”.
Chị Nông Huyền tổng kết: “Ghi sổ là phong tục nên chẳng ai thấy nặng nề, xấu hổ”. Chị cũng thích công việc ghi sổ: “Cầm cả xấp tiền đếm đi đếm lại cũng vui. Mà đám cưới cũng là dịp để mọi người đoàn kết lại. Người nhận nhiệm vụ đón khách, người ghi tiền, người dẫn vào mâm, tưng bừng, rộn ràng lắm”.
Tuy vậy, cũng có người Cao Bằng phản đối hình thức “xuống sổ” tồn tại ở quê mình, đặc biệt là những người trẻ. Một người trẻ hiện đã vào Sài Gòn lập nghiệp, bày tỏ thái độ: “Xuống sổ ở quê rất buồn cười. Giống kiểu ăn xong trả tiền. Rồi người xung quanh có khi lại bàn tán người ít, người nhiều.
Người xuống nhiều không sao nhưng người ít sẽ có mặc cảm nhất định”. Khi so sánh với hình thức mừng đám cưới bằng quẹt thẻ, chị cười: “Quẹt thẻ có khi còn hay hơn xuống sổ. Vì hai hình thức đều “phô” như nhau nhưng quẹt thẻ tránh được nhầm lẫn hơn ghi sổ”. Ông Vũ T. còn cho biết thêm chi tiết: “Xuống sổ đám cưới còn tạm chấp nhận, chứ ở Lạng Sơn, nơi tôi vừa chuyển đến sống, đám ma cũng… ghi sổ nữa cơ”.
Theo Đào Nguyên/Tiền Phong