Năm 18 tuổi, Sandy rời nước Anh tới Australia để trở thành huấn luyện viên lướt ván buồm. Dù có một khoảng thời gian tuyệt vời, anh buộc phải trở về quê nhà làm việc văn phòng vì áp lực mang tên "tương lai".
"Chứng kiến bạn bè ở Anh bắt đầu kết hôn, mua nhà, tôi cảm thấy bản thân cần quay về và tìm kiếm sự ổn định", Sandy chia sẻ với VICE.
Tuy nhiên, lựa chọn trên không khiến Sandy hạnh phúc. Ở tuổi 29, anh chịu nhiều áp lực tới mức phải nghỉ việc chỉ sau vài năm về Anh. "Tôi không cảm thấy mình đang 'sống' nữa".
Đáng nói, trường hợp như Sandy không hề hiếm gặp. Năm 2017, khảo sát từ LinkedIn cho thấy 72% nam giới người Anh trong độ tuổi 20 từng trải qua khủng hoảng, 34,4% đang vật lộn với tình trạng tương tự. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra phái mạnh ít có nguy cơ mắc các hội chứng tâm lý hơn phái yếu.
Nhưng theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia năm 2019, đàn ông chiếm khoảng 3/4 số vụ tự tử tại xứ sương mù, đạt mốc cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Điều này khẳng định nam giới, đặc biệt là thanh niên, đang chịu nhiều áp lực cuộc sống.
|
Năm 2017, hơn 70% thanh niên Anh quốc khẳng định mình từng gặp khủng hoảng tuổi 20. Ảnh: Getty.
|
Lo lắng dẫn đến khủng hoảng
Freddie (26 tuổi), nhân viên văn phòng, từng trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần khi mới 20 tuổi. Chia sẻ với VICE, anh cho biết bản thân bị sang chấn tâm lý đến mức suy nghĩ về cái chết và phải tìm đến bác sĩ điều trị. "Tôi không thể ngừng suy nghĩ và tự trách bản thân".
Dưới ảnh hưởng từ đại dịch, sức khỏe tâm thần của Freddie càng thêm tồi tệ. Sau khi trải qua một vài triệu chứng Covid-19 nhẹ, anh lên cơn hoảng loạn nghiêm trọng.
"Lúc đó, tôi thường nghĩ rằng mình sẽ chết một mình trong phòng bệnh mà không có người thân bên cạnh", anh trải lòng.
|
Khủng hoảng tâm lý kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm. Ảnh: Freepik.
|
Theo Nathaniel Oke, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, SARS-CoV-2 đã khiến tỷ lệ tử vong tăng cao ở một số nam thanh niên. “Các số liệu thống kê cho thấy thế hệ thanh niên bị áp lực khi nói đến các cơ hội kinh tế. Nam giới cảm thấy ít quyền lực và hy vọng hơn trước đây”.
Nathaniel Oke nói rằng khủng hoảng xảy ra khi nam giới đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Họ sợ không hoàn thành được những mong đợi của bản thân. Họ bị ảnh hưởng bởi những định kiến của những người xung quanh. Đặc biệt là quan niệm của xã hội về nam tính và ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông.
Đối với Nana (37 tuổi), cuộc khủng hoảng tâm lý của anh cũng bắt nguồn từ cảm giác xấu hổ. “Lớn lên như một người đàn ông da đen Hồi giáo tàn tật ở Anh khiến tôi thấy tủi thân” anh nói. “Những người đàn ông da đen dường như phải trải qua một cuộc khủng hoảng từ khi mới 24 tuổi vì bị cha mẹ so sánh với con cái của những người khác”.
Các thanh niên thường đặt ra những thành tựu nhất định cho các mốc tuổi 18, 21, 30 và mặc định phải hoàn thành nó. Do đó, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng Hilda Burke khuyên rằng họ nên lưu ý ở những cột mốc trên.
“Khi chúng ta cảm thấy mình phải làm những việc cụ thể hoặc đạt được những mục tiêu nhất định ở độ tuổi đó là lúc lo lắng có thể xuất hiện”, Burke nói.
Vượt qua chướng ngại
Đối với nhiều nam thanh niên, mạng xã hội cũng có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Sandy thường gặp khó khăn khi so sánh mình với những người học cùng trường, dựa trên những thành tích mà họ khoe trên mạng xã hội.
“Tôi nghĩ là tất cả đàn ông đều đang cố gắng tìm và tạo ra điều gì đó cho riêng mình”, anh nói, “Nhưng tôi không chắc rằng đó là điều chúng ta muốn làm hay chỉ là điều phải làm để được bạn bè và gia đình chấp nhận”.
Trong tình yêu, một số đàn ông còn cảm thấy áp lực về tiêu chuẩn thể chất để thu hút và giữ chân bạn tình. “Ngoại hình trở nên quan trọng. Nếu bạn không đủ đẹp, bạn sẽ bị gạt sang một bên. Đó là nỗi sợ hãi lớn đối với rất nhiều người đàn ông thế hệ trẻ bây giờ", Freddie nói.
Theo Oke, bước đầu tiên để vượt qua những mặc cảm đó là thừa nhận và nói về nó. Sau đó hãy tìm sự giúp đỡ thông qua trị liệu hoặc sự chia sẻ từ bạn bè và người thân. Đối với những người không đủ khả năng trị liệu, Oke tổ chức The Therapy Hour, một hội thảo trên web hàng tuần. Các nhà tâm lý học sẽ cung cấp không gian an toàn cho những nam giới đang tìm kiếm sự giúp đỡ.
|
Tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân và bạn bè giúp vượt qua những cuộc khủng hoảng tâm lý. Ảnh: Healthline.
|
Đối với Nana, đại dịch đã giúp anh ấy vượt qua cơn khủng hoảng đời mình. Anh ấy nhận ra không cần phải xấu hổ về danh tính nữa. Giờ đây, Nana có thể coi mình là một nhà hoạt động xã hội cho cộng đồng người khuyết tật.
“Tôi đã nhận ra mục đích của mình, đó là góp tiếng nói cho sức khỏe tinh thần của những người đàn ông khuyết tật, đặc biệt là trong thời kỳ cách ly do Covid-19”, anh nói.
Theo Zingnews