Điện thoại, laptop cũng như các yếu tố sinh nhiệt khác được cho là thủ phạm khiến suy giảm tinh binh ở nam giới, từ đó giảm khả năng thụ tinh. Quan điểm này có chính xác?
Điện thoại di động
Hiện nay điện thoại di động là phương tiện liên lạc không thể thiếu của mỗi người. Mỗi máy điện thoại khi hoạt động đều phát ra một loại sóng điện từ - là sóng mang năng lượng có tính chất đâm xuyên và khuếch tán được trong các mô và giảm dần cường độ khi đi sâu và cơ thể. Chính vì vậy, chúng có một tác dụng nhiệt nhất định cho cơ thể.
Năng lượng chúng khuếch tán khi đi vào cơ thể bị cơ thể hấp thụ được gọi là lượng hấp thu đặc biệt (SAR). Lượng hấp thu đặc biệt càng lớn, tác hại với cơ thể càng cao, thông thường các máy điện thoại có SAR ở mức dưới 1 w/kg, ngưỡng SAR tối đa an toàn cho tất cả các loại máy điện thoại cầm tay là 1,6 w/kg.
Chưa có tổ chức khoa học y học nào chứng minh được tác dụng có hại của sóng điện thoại lên cơ thể nhưng với trường hợp sử dụng lâu dài và ảnh hưởng của nó trên các tế bào non như tinh trùng thì vẫn phải lưu tâm.
Một số nghiên cứu gần đây báo cáo có sự giảm đáng kể về mật độ tinh trùng, khả năng di động và tỷ lệ sống của tinh trùng khi sử dụng điện thoại di động trên 2 giờ mỗi ngày trên động vật thí nghiệm. Vì lý do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo nên để điện thoại di động ở xa tinh hoàn và chỉ sử dụng điện thoại khi cần thiết, không nên dùng liên tục hàng tiếng đồng hồ.
|
Chuyên gia khuyến cáo nên để điện thoại di động ở xa tinh hoàntránh gây hại cho bộ phận này. Ảnh: Mens. |
Laptop
Sử dụng laptop và tiếp xúc với các nguồn sinh nhiệt cũng là một yếu tố nguy cơ. Tăng nhiệt độ tinh hoàn được biết đến là sẽ tác động xấu tới sự sinh tinh và khả năng thụ tinh. Các nguồn gây tăng nhiệt nội sinh của tinh hoàn như tăng thân nhiệt, sốt kéo dài, tinh hoàn chưa xuống bìu hay các nguồn sinh nhiệt ngoại sinh như dùng laptop, xông hơi, tắm nóng quá lâu có thể làm tổn hại tới mật độ tinh trùng, độ di động và gây bất thường về hình thái tinh trùng.
Nắng nóng
Nếu thường xuyên tiếp xúc với ngưỡng nhiệt 43 độ C trở lên trên 20 phút, tinh trùng sẽ bị tổn thương. Tiếp xúc càng lâu khả năng hồi phục quá trình sinh tinh càng khó.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cho tinh hoàn của chuột nhúng vào nước nóng 43 độ C trong 6 ngày liên tiếp, mỗi ngày 15 phút. Kết quả sau đó cho thấy ống sinh tinh của chuột đã bị tổn thương và phải mất nhiều ngày sau mới có thể hồi phục.
Một nghiên cứu khác trên khỉ đuôi dài, các nhà khoa học tại Đại học California (Mỹ) cho tinh hoàn của chúng tiếp xúc với mức nhiệt 43 độ C trong 30 phút mỗi ngày.
Sau 6-8 tuần, 2/3 trong số những con khỉ trên hoàn toàn không còn tinh trùng trong tinh dịch, 1/3 trong số chúng bị thiểu năng tinh trùng nặng. Sau 12 tuần sau, khả năng sinh tinh của tinh hoàn mới bắt đầu hồi phục.
Nghiên cứu chỉ thử nghiệm trên động vật trong thời gian rất ngắn đã cho thấy sự tổn thương rõ rệt. Nếu nam giới không biết cách làm mát tinh hoàn, làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao, tinh trùng sẽ bị suy giảm, dị dạng, có thể gây vô sinh.
Tinh hoàn - nhà máy sản xuất tinh trùng - đã được tạo hóa thiết kế một vị trí lý tưởng là nằm bên trong da bìu. Vị trí đó đảm bảo tinh trùng được sản xuất trong một môi trường ổn định, mát hơn nhiệt độ trung tâm của cơ thể (37 độ C) từ 2-4 độ C.
Lớp da này được ví như chiếc máy điều hòa nhiệt độ bởi khả năng đàn hồi rất tốt của nó. Khi trời lạnh, da bìu săn lại, giúp tinh hoàn không bị lạnh. Còn khi trời nóng, da bìu có thể giãn rộng gấp nhiều lần để thoát mồ hôi, thoát nhiệt. Nhiệt độ cao khiến 'máy điều hòa' da bìu phải hoạt động hết công suất để làm mát tinh hoàn.
Do đó, để tinh trùng khỏe mạnh, làm mát cơ quan sinh sản là điều nam giới nên làm thường xuyên:
- Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hàng ngày.
- Làm việc ở môi trường mát.
- Mặc quần lót chất liệu cotton, thay quần ít nhất một lần/ngày, tích cực vận động, không ngồi bắt chéo chân để "cậu nhỏ” luôn được thoáng mát.
- Không ngâm mình trong bể nước ấm nóng hoặc xông hơi quá 10 phút.
- Nếu phải làm việc ngoài trời, khu vực mông, tinh hoàn tiếp xúc trực tiếp với yên xe cần làm mát bằng cách cho xe vào chỗ mát. Trước khi ngồi, nam giới cần lau yên xe bằng khăn mát, tưới nước, tuyệt đối không nên ngồi ngay lên yên xe đang nóng.
- Hạn chế để laptop, điện thoại gần vùng kín.
Theo Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng/Zingnews