PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ được đưa vào cấp cứu tăng, khoảng 30-40 bệnh nhân mỗi ngày. Thời tiết nắng nóng được cảnh báo là yếu tố làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi.
|
Tiếp đón bệnh nhân đột quỵ tại khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.T. |
Không được tự ý dùng An Cung
Thị trường đang lưu hành một loại thuốc được quảng cáo có tác dụng dự phòng và điều trị rất tốt cho bệnh nhân đột quỵ là An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (viết tắt là An Cung). Dù giá rất đắt (hơn một triệu/hộp một viên, hoặc hơn 3 triệu/hộp hai viên), nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua về sử dụng xem như "bảo hiểm" cho sức khỏe và yên tâm sẽ không mắc đột quỵ.
Một quảng cáo trên mạng xã hội viết: “Khi đột quỵ xảy ra, vấn đề cấp cứu kịp thời rất quan trọng. Vì vậy, khi tai biến xảy ra, bạn cần phải cho người bệnh uống An Cung kịp thời để tránh cho tế bào não bị tổn thương càng ít càng tốt. Mỗi gia đình cần phải dự trữ ít nhất một viên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn để dự phòng và cấp cứu”.
Trước thắc mắc về việc có nên mua An Cung để dự phòng đột quỵ, PGS Chi khuyến cáo đây là thói quen rất nguy hiểm của người dân.
Theo chuyên gia này, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên - thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.
Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nguy kịch do tự ý sử dụng loại thuốc này. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Quang (đã đổi tên, 65 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bị chảy máu trầm trọng. Do bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, sợ bị tai biến vì huyết áp cao, ông Quang đã mua loại thuốc này để dự phòng. Ba tuần trước, ông có uống một liều.
Sau đó, người đàn ông này bị xuất huyết dưới da, xuất huyết cơ, chảy máu dạ dày và phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân được tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy khả năng đông máu giảm, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.
“Việc xác định đột quỵ thuộc thể thiếu máu cục bộ não hay chảy máu não phải thông qua chụp CT và do bác sĩ khám lâm sàng. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nếu cần thiết. Việc tự ý mua và cho người nhà đột quỵ dùng thuốc An Cung rất nguy hiểm. Người bệnh muốn dùng thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ”, PGS Chi khẳng định.
Khi nào xảy ra đột quỵ?
PGS Chi các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ là cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì...
Chuyên gia cũng khẳng định không có bất kỳ phương pháp nào đề phòng đột quỵ bằng thuốc uống như An Cung. Cách duy nhất là những người có nguy cơ cần kiểm soát tốt tình hình bằng tuân thủ phác đồ điều trị.
Những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, cách duy nhất để tránh đột quỵ là duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh. Đột quỵ cần cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian 6 giờ đầu. Khi chậm trễ, bệnh nhân diễn biến nặng, dễ tử vong.
Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý kịp thời, tuyệt đối không cố gắng cứu bệnh nhân tại nhà bằng việc cho dùng thuốc, uống các loại nước lạ.
Theo Hà Quyên/ Zing