Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng, oi bức, không ít người nhập viện vì say nắng, sốc nhiệt do phải làm việc hoặc đi lại quá lâu ngoài trời, nhiều tia cực tím chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi bị sốc nhiệt, người bệnh không chỉ sốt cao, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...) mà còn có nguy cơ để lại những tổn thương não không thể hồi phục, thậm chí tử vong.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, vào các đợt nắng nóng gay gắt, khoa tiếp nhận không ít trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.
Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.
|
Nắng nóng, nhiều tia cực tím người dân nên hạn chế đi lại . Ảnh minh họa |
PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, để phòng tránh say nắng, say nóng, sốc nhiệt hiệu quả, người dân cần lưu ý, hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất (từ 11-15h hàng ngày).
Luôn uống thật nhiều nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước. Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng khi phải ra ngoài đường.
Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...
Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo Thảo Nguyên/ VietQ