Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng là người sử dụng Facebook có nhiều chia sẻ hữu ích về những kinh nghiệm ứng xử trong gia đình, chăm sóc và giáo dục con.
Xin chia sẻ lại một status của chị liên quan đến “nỗi sợ” mang tên “rửa bát” mà nhiều phụ nữ trải qua ngày Tết.
Từ chuyện “đá chồng bát” được chia sẻ rầm rộ trên Facebook
Từ hôm qua trong lòng cảm thấy ngại ngần với câu chuyện đá chồng bát của một cô gái.
Ngại hơn nữa là sau đó "đá chồng bát" được phụ hoạ bởi một bài viết hết sức ngoa ngoắt, có thể nói là láo toét của một người khác, với hơn 20.000 người like và gần 3.000 chia sẻ.
Có thể sự bức xúc, ngột ngạt trong mối quan hệ nàng dâu - nhà chồng ở phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều quá nên ngay cả một bài viết sử dụng ngôn từ láo toét như vậy cũng nhận được nhiều tung hô, đồng cảm đến thế chăng?
Riêng mình thì nghĩ, một người tử tế (cả phụ nữ và đàn ông) sẽ biết cư xử đàng hoàng, đúng mực, có ý có tứ, biết điều... ở ngay trong gia đình mình cũng như đi tới nhà người khác, ra ngoài xã hội.
Khi đến nhà người khác ăn cơm (cỗ) thì cũng phải có chút ý tứ, quan sát/ suy nghĩ trước sau, tìm hiểu chút về gia đình đó trước, xem về cơ bản có hợp với mình không đã thì hãy nhận lời tới ăn cơm.
Tiếp đó tuỳ độ thân quen tới đâu mà chọn lối ứng xử cho phù hợp. Ví dụ nếu quen sơ thì tham gia chút đỉnh vào bữa ăn, hỏi chủ nhà xem có cần bê gì lên giúp không, giúp lấy đồ nọ đồ kia không ? ...
Nếu là gia đình thân thiết, thì nên tới sớm hơn chút, giúp chủ nhà chuẩn bị đồ ăn vào đoạn cuối, tức là sắp xếp, gọt rau củ, bưng đồ lên mâm,....
Ăn xong giúp dẹp đồ xuống bếp, tham gia rửa bát, dọn dẹp cho vui.
Tuỳ theo độ cởi mở của gia đình mà chọn lối ứng xử sao cho phù hợp. Vì có người thích được giúp đỡ, có người thích tự làm hoàn toàn nhưng dù thế nào thì cũng vẫn nên tỏ lòng tham gia tý chút.
Bí quyết ứng xử khi bị “bắt nạt”
Nếu lỡ chẳng may rơi vào gia đình cổ hủ mà mình chưa biết trước, kiểu dồn cho khách rửa cả đống bát... thì rủ người yêu/ chồng làm cùng. Nếu người kia không giúp (vì sĩ diện hay lười chẳng hạn thế... ) thì tuỳ vào sự lựa chọn của bản thân các bạn thôi, ví dụ :
- Làm xong rồi cắt đứt cho nhà kia phải "tiếc ngẩn ngơ"...
- Làm xong rồi nói chuyện với người kia xem có tìm được chút đồng cảm, chia sẻ nào không nếu không thì cắt đứt...
- Nói một cách đàng hoàng với bố mẹ người kia rằng mình không chấp nhận kiểu hành xử đó rồi không làm rồi chào rồi về rồi cắt đứt...
- Cùng lắm là ấm ức, khó chịu, mặt nặng mày nhẹ tý rồi thôi, coi như các bạn đã chọn nhầm nhau, cắt đứt sớm được là may cho cả hai bên ...
Sao phải ẤM ỨC, BỨC XÚC, KHỔ SỞ, HẠ THẤP BẢN THÂN THẾ ?
Mình cũng đã và vẫn đang làm dâu. Mình có con trai lớn, bình thường khoảng 5-10 năm nữa cũng sẽ có con dâu. Đương nhiên là sau này sẽ không bao giờ bắt nạt con dâu...
Nhưng mình cũng không thích những cô mặt mũi lạnh tanh, cư xử xa cách, đến nhà chơi mà thái độ như đi ăn cơm hàng.
Còn kiểu cư xử hồ đồ, hỗn láo kiểu không vừa lòng thì đá đồ, phá đồ, hoặc chửi bới láo toét thì không thể chấp nhận được.
Mà chắc các bạn cũng biết, một số người ở Việt Nam, nhất là những người ở thế hệ chừng 60-70 tuổi bây giờ, hoặc một số người sống ở nông thôn lạc hậu... vẫn còn nghĩ chuyện con dâu phải làm nhiều (hoặc hết) việc nhà như một thói quen cổ hủ xưa cũ thôi chứ chưa chắc trong lòng họ đã độc ác gì đâu.
Chuyện của một người “Thức lâu mới biết đêm dài”
Mình có cô bạn, cô ấy kể những ngày đầu về làm dâu, nhà chồng cô ấy cổ hủ, phong kiến lắm, nên hai cô con dâu trong nhà cũng phải làm nhiều việc, cỗ bàn, rửa bát, nấu ăn, dọn dẹp... đều đến tay con dâu hết. Mỗi lần nhà có giỗ hay cỗ gì đó cô ấy phải nghỉ phép cả tuần để chuẩn bị cùng cô em dâu, cũng rất mệt mỏi, ấm ức.
Bù lại, chồng cô ấy luôn tỏ lòng biết ơn cô ấy đã vất vả mấy ngày đó để vừa lòng cha mẹ. Khi về nhà riêng là anh ấy lại cùng chia sẻ việc nhà với vợ, rất tử tế.
Cô ấy kể, lúc đó em chỉ bám vào chồng, còn thì em sợ nhà chồng lắm, vì cứ có cảm giác ở nhà chồng thì em như là "con ở" vậy.
Và tuy mẹ chồng luôn rất vồn vã, xởi lởi nhưng cô ấy lạnh lùng với bố mẹ chồng, luôn giữ khoảng cách như "người ngoài" ...
Cho đến ngày cô ấy sinh con đầu lòng bị tai biến khi mổ phải nằm liệt giường trong gần ba tháng thì mới biết được tấm lòng tử tế của mẹ chồng.
Ba tháng cô nằm một chỗ, chân bị liệt nhẹ, vết mổ bị nhiễm trùng nặng, mẹ chồng cô ấy ở quê ra phục vụ con dâu đẻ vì mẹ đẻ của cô ấy đã mất từ lâu còn chồng cô ấy thì phải đi làm, giữ công việc để nuôi vợ con.
Bố cô ấy muốn trả một khoản tiền thuê người chăm sóc nhưng bà không muốn, bà sợ họ làm không tử tế rồi khổ con dâu...
Suốt thời gian đó, bà không nề hà bất cứ một việc gì kể cả đổ bô, lau rửa, vệ sinh hàng ngày cho con dâu.
Bà luôn dậy sớm đi chợ chọn đồ tươi ngon để nấu ăn cho con dâu. Bà chăm sóc đứa bé, bế ẵm nó hàng ngày xong cứ mẹ tỉnh lúc nào là bà cho vào nằm sát để có hơi mẹ...
Rồi bà có thể kiên nhẫn ngồi cả nửa tiếng áp đầu đứa bé vào ti mẹ để cháu có thể bú mẹ. Bà còn học cô mát xa trị liệu để hàng ngày nắn bóp cho con dâu mong cô ấy sớm phục hồi vận động...
Cô ấy kể, có lúc em đau lắm, đau đến co rút chân tay, không thể động đậy được, em nhìn thấy mẹ chồng ngồi lặng lẽ chấm nước mắt. Bà thấy em nhìn thì quay đi chỗ khác lau nước mắt xong quay lại giả vờ mắng em, bắt em phải cố gắng vận động để khỏi bị loét...
Đến ngày em đứng lên, chống gậy đi được những bước đầu tiên, mẹ chồng em đã khóc vì mừng, bà gọi điện báo tin cho bố em, mà em cứ có cảm giác như bà là mẹ đẻ em vậy...
Cô ấy bảo: “Trời ơi lúc đó em mới thấy xấu hổ với những gì em đã nghĩ, đã rêu rao về mẹ chồng lắm chị ạ. Em kể với bố em, bố em cũng phải khóc vì cảm động đó chị”.
Vậy nên mình nghĩ, vấn đề gốc, vẫn là đôi trẻ có yêu thương nhau thật hay không, và yêu đến mức nào? Bạn đã chọn người yêu như thế nào? Bạn đã làm gì, nói gì, sống thế nào để người kia tôn trọng, yêu thương và cư xử tử tế với bạn ?....
Và chính bản thân bạn có biết cư xử tử tế đàng hoàng với người khác trong mọi (hoặc đa số) các tình huống hay không ?
So với chuyện tình cảm/ tình yêu/ tình người, thì rửa mấy cái bát, thật ra, có nhằm nhò gì đâu...
Theo Phương Phương/Giadinhmoi.vn