Đối với Tâm, 29 tuổi (Ba Vì, Hà Nội), cuộc sống ở nhà chồng thật chẳng như mơ, dù cho cô có cố gắng hòa nhập đến thế nào chăng nữa. Tâm kể: "Hễ không khó ăn ở với mẹ chồng thì cũng khốn khổ với bà cô em chồng".
Trước đây khi mới kết hôn, Tâm vẫn làm giáo viên dạy ở trường cấp 3 gần nhà. Chồng làm kỹ sư xây dựng trên thành phố, cả tháng mới về thăm vợ con được một lần. Bố chồng chị mất sớm, ở nhà có đứa em chồng học lớp 10 và bà mẹ chồng ngoài 50 tuổi. Hàng ngày cô vừa đi dạy, vừa tranh thủ lo toan chợ búa, cơm nước, nhà cửa… Ấy mà lắm khi vẫn không được lòng mẹ chồng và em chồng.
Con gái đầu được đầy năm, chồng liền đón mẹ con Tâm lên thành phố sống. Tâm chuyển sang dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ. Cô em chồng thi đỗ Đại học cũng chuyển lên sống cùng với anh chị để tiện đường đi học. Tâm kể, từ đây mà cuộc sống gia đình cô có thêm nhiều sóng gió.
Theo Tâm, cô em chồng vốn quen thói được mẹ chiều chuộng, ít phải làm lụng nên chẳng biết việc. Thường ngày cô đi làm, đưa đón con đi học, chợ búa cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Đứa em chồng không đi học thì cũng kiếm cớ ra ngoài giao du với bạn bè, chẳng bao giờ chủ động cầm nổi cái chổi quét nhà hay trông cháu cho chị dâu cơm nước... Thấy vậy vài lần Tâm xúi chồng nhắc nhở, thành thử cô lại càng bị em chồng ghét.
"Có hôm mình ốm sốt, con bé đi chơi về thấy anh trai đang rửa bát cũng điện thoại về mách mẹ, kêu chị dâu "bắt nạt" chồng. Rồi đợt gần đây mẹ đẻ cần tiền lo cho bố đi viện, mình thu vén được chút ít gửi về cho bà. Lúc điện thoại con bé nghe thấy, tối đó liền về mách thẳng với chồng mình, nói mình giấu anh gửi quỹ riêng về nhà ngoại", Tâm rầu rĩ kể.
Sau hôm ấy vợ chồng Tâm cũng tìm cách nói chuyện rõ ràng với đứa em. Nhưng nó tỏ ra không phục. Chẳng thế mà con bé đợi đúng lúc mẹ lên thăm cháu để cáo tội chị dâu.
Hôm đó Tâm đi làm cả ngày, bé Cua xin nghỉ học ở nhà chơi với bà nội, đứa em chồng đi học sáng, chiều ra ngoài chơi tới chập tối mới thấy ló mặt về nhà. Tâm đi chợ cơm nước, dọn nhà xong chồng vẫn chưa về nên tranh thủ lên sân thượng phơi quần áo trước giờ cơm tối. Còn chưa phơi xong, cô đã nghe thấy tiếng la ó dưới nhà: "Tiền của tôi đâu rồi, đâu hết rồi?".
Tâm lật đật chạy xuống, thấy cô em chồng đang vừa lau tóc vừa phụng phịu: "Rõ ràng để trên bàn học mà giờ không thấy đâu. 2 triệu chứ ít ỏi gì!".
Thấy Tâm, con bé quay sang hỏi thẳng: "Hôm nay chị dọn nhà, quét cả phòng tôi mà, có thấy không?"
Tâm lắc đầu, còn chưa kịp nói sao nó đã chỉ thẳng mặt: "Chỉ có chị thôi, nhà này chỉ có chị là đáng nghi nhất. Hôm nay chị lau chùi quét dọn trong phòng tôi suốt, chỗ sách vở trên bàn cũng đã xếp lại rồi mà còn bảo là không thấy. Chị đang lo gom góp tiền về cho đằng ngoại nhưng chưa đủ mà. Thiếu thì hỏi vay, ai lại giở cái trò trộm cắp ra thế này. Đúng là anh Quang nuôi ong tay áo".
Mẹ chồng bế Cua tới, níu tay con gái gạt đi: "Tiền nong làm sao, sao lại ăn nói thế với chị dâu hả?".
Con bé quát um lên: "Chị ấy thường xuyên giấu tiền mang về ngoại đó mẹ, chả biết cần làm gì mà gom cả trăm triệu còn kêu thiếu. 2 triệu mẹ mới gửi ra con đi rút cả rồi, con để trên bàn học. Cả ngày hôm nay có mỗi chị ấy lục sục trong phòng con. Chả lẽ con giả vờ kêu mất?".
Mẹ chồng Tâm thả cháu xuống, lục đục lôi trong túi áo ra 3 đồng 500 ngàn, 2 đồng 200 và 1 đồng 100 hỏi: "Có phải đây không?".
Em chồng Tâm ngớ người, lưỡng lự gật đầu. Lúc này bà mới nói: "Hồi sáng mẹ thấy trong nhà vệ sinh. Mẹ đang tính đợi xong bữa tối có đầy đủ mọi người rồi mới hỏi của ai. Chưa gì đã làm toáng lên".
Đứa em chồng ngại ngần nói xin lỗi. Tâm buồn rầu định quay đi nhưng mẹ chồng giữ ngay lại: "Cái Nguyệt ngang ngạnh mẹ rất hiểu, nhưng con là chị, sai trái gì cứ nói thẳng, đừng ngại. Còn Nguyệt, sau con lớn cũng phải đi làm dâu, bỏ cái tính tráo trở, trịnh thượng ấy đi. Còn cứ bảo thủ thì còn có ngày tôi cũng bị cô làm cho mất mặt".
Tối đó sau bữa cơm, Tâm kể lại chuyện dồn tiền về cho mẹ đẻ. Cô không những không bị mẹ chồng trách mà còn được bà nhận hỏi vay giúp chỗ thân quen. Chẳng rõ trong đêm bà và đứa em chồng nói gì với nhau mà sau hôm đó Tâm thấy Nguyệt đối với mình khác hẳn. Theo cô, bản thân cứ sống chân thành, thật thà, không sớm thì muộn rồi cũng có ngày được đổi khác.
Theo Mai Mai/Trí Thức Trẻ