Xã hội và khoa học ngày càng phát triển, tuy nhiên, các chuyên gia không hề phủ nhận những lợi ích và tầm quan trọng của việc kiêng cữ sau sinh. Ngược lại, họ còn khẳng định rằng việc kiêng cữ sau sinh là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Chỉ cần các mẹ biết kiêng khem đúng cách, không quá “ép mình” thực hiện những quy tắc quá nghiêm ngặt và chưa được xác thực là đúng đắn như kiêng tắm gội tận 1 tháng, chỉ được ăn cơm thịt kho nghệ canh rau ngót, bắt buộc nằm than,… thì việc ở cữ 3 tháng 10 ngày sẽ đem lại những kết quả tuyệt vời dưới đây.
Phòng ngừa hậu sản
Người ta thường ví phụ nữ sau sinh yếu ớt như những con cua lột vì vừa mới phải trải qua một cuộc hành trình “thay máu”. Chính xác là như thế, vượt cạn là lúc cơ thể người phụ nữ phải chịu đựng vô vàn những cơn đau đến từ mọi phía. Đó là lý do khiến cho cơ thể chị em trở nên vô cùng yếu ớt và sức khỏe suy giảm nghiêm trọng sau khi sinh.
Không ở cữ sau sinh, chị em rất dễ phải đối diện với nguy cơ mắc các căn bệnh về hậu sản sau này. Không những thế, các mẹ sẽ còn bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, dễ đau yếu, bệnh tật, buốt người mỗi khi trái gió trở trời. Việc xem quan niệm ở cữ 3 tháng 10 ngày sau sinh là cổ hủ hoàn toàn không chính xác vì ở cữ chính là khoảng thời gian để chị em phục hồi những “hư hao” của cơ thể. Mẹ sau sinh nên hạn chế vận động nặng, có thể tắm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khoảng 3 – 5 nhưng nên hạn chế đụng chạm nước nhiều, đặc biệt là nước lạnh.
Chú ý đến vấn đề ăn uống là một việc vô cùng quan trọng, chị em không nên kiêng khem quá mức, chỉ cần nhớ ăn chín uống sôi, hạn chế đồ chua, đồ lạnh, đồ tanh.Những thức ăn còn lại có thể thoải mái sử dụng để đủ dưỡng chất nuôi cơ thể cũng như gọi sữa dồi dào cho con bú.
Bảo vệ sự an toàn cho con mới sinh
Nhiều người nghĩ rằng kiêng cữ sau sinh chỉ có duy nhất một công dụng là giúp cho người mẹ mau phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, việc kiêng cữ này còn ảnh hưởng rất nhiều đến con mới sinh. Trong 3 tháng 10 ngày sau sinh, các cụ thường khuyên bà đẻ không nên ra ngoài, đừng vội trách ông bà cổ hủ vì tất cả đều có lý do cả.
Khoảng thời gian này, sức khỏe của cả mẹ và bé đều ất yếu ớt, đặc biệt là con mới sinh với hệ miễn dịch chưa được mạnh mẽ đủ để kháng cự lại toàn bộ những loại virus gây bệnh. Chị em không nên đưa em bé ra ngoài thường xuyên, đặc biệt tuyệt đối tránh xa những nơi đông đúc vừa để đảm bảo sức khỏe cho con, vừa tránh được bệnh tật và những nguy cơ rủi ro cho bản thân mình.
Để chăm sóc mẹ sau sinh thường cần chú ý điều sau:
Giờ đầu tiên sau khi sinh, các bà mẹ được theo dõi dấu hiệu sau sinh. Nguyên tắc sau sinh các mẹ không được nằm gối cao trong vòng 8 giờ đầu để máu có thể tuần hoàn đến não, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn sau 6-8 giờ đầu (vì sau khi vượt cạn cơ thể chúng ta vừa mất sức lực cũng như lượng máu lớn nên nếu nằm gối quá cao máu sẽ không lưu thông lên não). Trường hợp sản phụ có dùng biện pháp đẻ không đau trong lúc sinh thì có thể đứng dậy đi lại sau 1 ngày; những sản phụ không gây tê ngoài màng cứng thì có thể vận động 6 giờ sau đó.
Sang ngày hôm sau, sản phụ cần tắm toàn thân ngay bằng nước ấm sạch, nên sử dụng vòi hoa sen và thời gian tắm nhanh, không quá 20 phút, nhằm giúp cơ thể vệ sinh tốt, tạo thông thoáng cho các lỗ chân lông, tránh nhiễm trùng da do bụi bẩn và mồ hôi tiết ra lúc chuyển dạ.
Sau sinh, sản phụ sẽ có hiện tượng sản dịch ra mỗi ngày và sẽ giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, bà mẹ cần thay băng vệ sinh thường xuyên, không nên để quá 6 giờ vì có nguy cơ làm vi trùng vùng âm đạo phát triển gây nhiễm trùng. Trong thời gian nằm viện, sản phụ có các nữ hộ sinh chăm sóc rửa vệ sinh âm hộ sáng và chiều. Khi về ở nhà các mẹ phải vệ sinh vùng kín hàng ngày như ở trong viện.
Sau khi đẻ thì cần ăn kiêng cữ gì?
Thực sự chúng ta không nên kiêng khem quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú. Bà mẹ được ăn cơm ngay sau 2-4 giờ sinh thường, các món ăn cần nấu chín và ăn nóng. Sản phụ cần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa ăn nên đủ cả 3 nhóm chất cơ bản. Sau mỗi bữa ăn cần tráng miệng trái cây có tính lành như: Đu đủ, chuối, thanh long, vú sữa… Các mẹ nên tránh ăn các đồ ăn lạnh, đồ chưa chín kỹ…Những trường hợp mẹ ít sữa hay không có sữa, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước, thì cần phải ngủ đủ giấc, trung bình 8-9 giờ/ngày, chính trong giấc ngủ sẽ giúp bài tiết sữa nhiều hơn.
Theo Ngọc Lê (TH)/Khoevadep