Đến khu 13, phố Bắc Kinh, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về cụ bà Đàm Thị Cần (SN 1935) có tấm lòng hiếu nghĩa khi dành hơn 600 triệu đồng đi làm từ thiện, nhưng cũng bất ngờ với việc cụ từng tự tay lấy vợ hai cho chồng.
Dĩ nhiên, đó là chuyện xưa cũ, và nếu ở thời điểm hiện tại thì thiên hạ có lẽ còn chỉ trích hai cụ làm chuyện ngược đời, lại phạm quy định luật pháp về hôn nhân - gia đình.
|
Cụ Đàm Thị Cần (82 tuổi) trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Đ.Tuỳ |
Gặp ở ngoài đời không ai nghĩ cụ đã 82 tuổi, khi giọng vẫn sang sảng, đôi mắt tinh nhanh, mái tóc đen tuyền và còn là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh tổ 13.
Theo lời kể, cụ là người Thái trắng ở Lai Châu, con thứ hai trong gia đình có 3 anh em, trong đó anh trai và em út đều là liệt sĩ chống Pháp. Khi vừa tròn 14 tuổi, cụ tham gia Cách mạng và làm liên lạc viên cho bộ đội nơi cụ sinh sống.
Trong quá trình tham gia cách mạng, cụ Cần gặp cụ ông quê TP Hải Dương là thanh niên xung phong nhưng kém một tuổi. Năm 21 tuổi, cụ ra quân và xây dựng gia đình, sau đó chuyển về quê chồng sinh sống.
|
Năm 14 tuổi cụ tham gia trận Điện Biên Phủ được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Đ.Tuỳ |
Khi về nhà chồng ở Hải Dương, cụ xin làm cấp dưỡng cho Ty xây dựng, sau đó được điều về làm ở nhà máy Xi măng Hoàng Thạch. Do không xin được vào biên chế nên cụ bỏ nhà máy về nước vối bán rong ở chợ Lớn. Thấy HTX vôi tuyển người, cụ xin vào nhưng làm được thời gian ngắn HTX không có việc nên đành chuyển sang bán cơm cho xã viên.
Nhắc lại chuyện hơn 40 năm trước cưới vợ hai cho chồng, cụ Cần tâm sự: “Hiện tại, tôi có trên 20 cháu chắt nội ngoại và để có được niềm hạnh phúc như thế này, tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ lắm, thậm chí cả hạnh phúc của mình".
Rồi cụ ông phải lòng một người con gái khác. Khi biết chuyện, cụ đã nói thẳng với chồng và đồng ý cho hai người kết hôn.
“Hôm tổ chức lễ cưới, chính tay tôi làm 5 mâm cỗ mời họ hàng nhà chồng và gia đình vợ hai đến chung vui. Khi ăn xong, tôi tuyên bố chấm dứt vợ chồng và trao trả ông ấy cho bà hai. Sau đó, vợ chồng ông ấy về phường Hải Tân (cùng thành phố) ở và sinh được 3 người con gái”, cụ Cần cho biết.
Ngày đó, ai trong khu phố cũng bảo cụ là khác người, là dại, tự nhiên lại để chồng mình cho người khác. Tất cả những lời đó, cụ đều biết nhưng không muốn giải thích và rồi dần dần mọi người đã nghĩ ra hành động đó của cụ là đúng.
Hoàn thành hôn lễ, một mình cụ nuôi con nhưng vẫn lo lắng cho vợ hai và chồng. Thấy bà hai không có việc làm, cụ xin cho một chỗ bán hàng trong chợ và chăm lo cho 3 đứa con riêng như con đẻ của mình.
Cho chúng tôi xem 120 thùng quần áo đã được đóng cẩn thận ở gian nhà cũ, cụ Cần kể: "Đây là số quần áo mà tôi đi xin và bỏ tiền túi ra mua để ủng hộ những nơi khó khăn, vùng đồng bào nghèo khó. Ngày trước tôi khổ cực lắm rồi nhưng ông trời không lấy hết của ai bao giờ".
Thương người cùng cảnh ngộ, cho nên từ năm 2007 đến nay, mỗi khi các con ở nước ngoài gửi tiền về, cụ Cần đều mang đi làm từ thiện. Cứ chỗ nào có người nghèo khổ, cụ lại đi xin quần áo và bỏ tiền của mình thuê xe đến tận nơi để trao. Từ Điện Biên, Sơn La, Hà Giang đến các tỉnh miền Trung, thậm chí, cụ sang cả nước Lào và Campuchia để làm việc thiện.
Xác nhận với PV Báo Gia đình & Xã hội, cụ Đặng Trọng Trấn (84 tuổi), Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo thông tin, việc cụ Cần ngày trước tự tay làm cỗ để cưới vợ hai cho chồng là có thật và bản thân cụ cũng bỏ ra một số tiền lớn vài trăm triệu đồng để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn ở mọi nơi là chính xác.
"Nếu như ngày đó tôi không cương quyết thì bây giờ cũng chưa biết cuộc sống sẽ thế nào. Dẫu sao đó cũng là duyên phận. Đến lúc này, tôi thấy quyết định đó là đúng và không muốn nhắc lại chuyện xưa", cụ Cần tâm sự.
Theo Đức Tùy/Giadinh.net