Nhiều năm làm trong lĩnh vực xét nghiệm ADN, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền vẫn còn nhớ mãi trường hợp của chàng trai trẻ tên Hoàng. Ngày hôm đó, Hoàng và Lan bế theo một đứa trẻ vài tháng tuổi tới trung tâm đăng ký xét nghiệm ADN. Anh là người đứng ra làm mọi thủ tục.
Ngày có kết quả, chỉ có anh Hoàng tới nhận và anh đã rất sửng sốt khi đứa trẻ có quan hệ huyết thống bố - con với anh. Hoàng nói với bà Nga rằng đây là kết quả vô lý. Sở dĩ anh "chắc như đinh đóng cột" vậy vì cho rằng đứa trẻ sinh ra giống hệt người khác thì làm sao là con của mình? Anh cho rằng trung tâm nhầm lẫn.
Ảnh minh hoạ: AF
Bà Nga đã quá quen với các trường hợp từ chối nhận con như của Hoàng. Bà nói với anh rằng nếu nghi ngờ kết quả của trung tâm thì có thể đi xét nghiệm tại một nơi khác. Nếu kết quả có sai lệch, khách hàng có thể kiện trung tâm ra tòa để giải quyết dứt điểm.
Theo bà Nga, dù bà đã giải thích rõ ràng nhưng Hoàng vẫn cố chấp không hiểu. Anh ta nói với bà Nga đi xem bói, thầy khẳng định đứa trẻ này không phải con của mình.
Bà Nga khuyên anh không nên lấy hết lý do này tới lý do khác để chối bỏ con ruột của mình. Tuy nhiên, Hoàng vẫn rất ấm ức và đứng dậy ra về. Ngày hôm sau, bà Nga nhận được cuộc điện thoại của khách hàng, nghe giọng bà đã nhận ra đó chính là Hoàng. Trong điện thoại, người đàn ông hỏi có phải mẹ đứa trẻ đã mua kết quả xét nghiệm hay không.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền đang tư vấn cho người dân. Ảnh: NVCC
Câu hỏi trên khiến bà Nga rất bất bình bởi đã xúc phạm đạo đức nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, bà lấy bình tĩnh nói cho Hoàng rõ. Mọi chuyện tưởng sẽ khép lại thì vài ngày sau, Hoàng lại tìm tới trung tâm và xin in thêm một kết quả xét nghiệm nữa.
Lần này, anh mong muốn bà Nga đổi kết quả thành "không có quan hệ huyết thống bố - con". Hoàng cho hay, bản thân bị cô gái kia lừa và sợ đứa trẻ này xuất hiện sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình. Trước yêu cầu của Hoàng, bà Nga đã từ chối.
Không thể thuyết phục được bà Nga, Hoàng lặng lẽ ra về. Vài tháng sau, bà Nga lại nhận được cuộc điện thoại từ mẹ đứa trẻ - chị Lan.
Theo người này, Hoàng là chồng sắp cưới của chị. Tuy nhiên, sau đó anh đã bỏ rơi 2 mẹ con để lấy một người phụ nữ có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, chị Lan cho biết, chị chỉ nhận được bản photo kết quả xét nghiệm ADN với kết luận "không có quan hệ bố - con". Chị yêu cầu Hoàng đưa ra bản gốc vì tin rằng bản photo đã có sự sửa đổi.
Chị Lan gọi điện cho bà Nga để xin bản gốc của kết quả xét nghiệm. Cô gái trẻ nói không cần một người tệ bạc như Hoàng nhưng cần lấy lại danh dự cho mình. Thế nhưng bà Nga không thể cung cấp kết quả cho chị vì hôm làm xét nghiệm, chị đã không ký vào đơn xin xét nghiệm. Theo nguyên tắc, chị Lan sẽ không được nhận kết quả.
Bà Nga khuyên chị nên bắt Hoàng phải đưa ra bản xét nghiệm gốc để đảm bảo tính trung thực. Trong trường hợp Hoàng không chấp nhận yêu cầu này thì chị Lan có thể mang căn cước công dân tới trung tâm để làm thủ tục, trung tâm sẽ xem xét và cấp lại bản gốc cho chị.
Bà Nga cho biết thêm, sau trường hợp trên, trung tâm cũng đã rút kinh nghiệm, bất cứ cặp đôi nào đến thực hiện xét nghiệm quan hệ huyết thống thì cả 2 người đều phải ký vào đơn. Điều này giúp đảm bảo cả hai người đều nhận được kết quả xét nghiệm gốc, tránh tình trạng lừa dối, đánh tráo kết quả với những ý đồ xấu.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi!
Theo Gia Khiêm/Dân Việt