Người đàn ông ở Hà Nội nguy kịch sau giết mổ lợn

Google News

Giết mổ lợn chết, người đàn ông ở Chương Mỹ, Hà Nội rơi vào tình trạng nguy kịch, suy đa phủ tạng.

Ngày 3/12, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện đã cứu sống nam bệnh nhân (32 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, tình trạng nguy kịch.
Theo BSCKI. Trần Đình Thăng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân thực hiện công việc giết mổ lợn trên một con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau mổ lợn 5 giờ đồng hồ bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo có đau bụng, nôn nhiều.
Bệnh nhân được chỉ định vào điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và tiếp tục nôn. 2 tiếng sau bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch.
Nguoi dan ong o Ha Noi nguy kich sau giet mo lon
 Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Khi vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, được chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao và can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác, cấy máu dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng sức khoẻ đã cải thiện tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân nên ăn chín, uống sôi và không nên giết mổ lợn ốm chết.
Đến nay chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện, điều trị sớm bằng các loại kháng sinh và các biện pháp điều trị đặc biệt. 
Với người tham gia giết mổ, buôn bán thịt, không nên giết mổ, chế biến những con lợn bị ốm chết, vì có thể do liên cầu lợn gây ra và trong cơ thể chúng tồn tại nhiều mầm bệnh, có nguy cơ lây nhiễm sang người giết mổ, chế biến. Khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại. Cần mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay, thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ…
Cùng với đó, người dân không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Người dân khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 
Bình Nguyên