Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), vừa cho biết ngày 4/3, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Liên (40 tuổi, ở Bắc Giang, đã đổi tên), bị chó dại cắn. Trước đó, người phụ nữ làm nghề kinh doanh, buôn bán thịt chó. Một tháng trước, trong khi bắt chó ở lồng để làm thịt, bà bất ngờ bị một con khác cắn vào chân. Con chó này cũng được làm thịt ngay hôm sau.
Sau khoảng 40 ngày, bệnh nhân mắc bệnh dại này lên cơn dại và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió... Tối cùng ngày bệnh nhân đã lên cơn dại và tử vong.
|
Một bệnh nhân bị bệnh dại điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: NL. |
Trước đó, một bệnh nhân 60 tuổi ở Nghệ An cũng nhập viện sau khi lên cơn dại vì bị chó cắn khoảng hơn một tháng nhưng chủ quan không tiêm phòng. Sau 5 ngày điều trị tích cực tại viện, bệnh nhân không qua cơn nguy kịch, nên gia đình đã xin về.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Cấp khuyến cáo tiêm phòng là cách tốt nhất bảo vệ tính mạng sau khi bị chó cắn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay: “Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không mắc bệnh. Nếu chúng ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.
Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.
Theo Hà Quyên/Zing News