Hơi thở nồng nặc mùi rượu và nồng độ cồn trong máu tăng cao, người phụ nữ 50 tuổi vẫn khẳng định không hề uống một giọt rượu khi phải vào bệnh viện cấp cứu
Trong hơn 2 năm qua, người phụ nữ sống ở Toronto, Canada, đã đến khoa cấp cứu nhiều lần và phàn nàn về tình trạng trên. Ngoài ra, bà còn nói không rõ lời và buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Gần đây, các bác sĩ mới tin lời người phụ nữ trên khi phát hiện bà mắc chứng bệnh hiếm gặp với các triệu chứng giống say rượu. Đó là hội chứng tự sinh rượu (ABS) khi nấm trong ruột lên men tinh bột, đường tạo ra cồn. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết người bệnh trên thường có chế độ ăn nhiều đường và tinh bột.
Hiện chỉ có khoảng 20 người trên toàn cầu được chính thức xác nhận mắc hội chứng ABS.
|
Hội chứng tự sinh bia khiến một số ít người có nồng độ cồn trong máu cao dù không uống rượu. Ảnh minh họa: BTC |
Tiến sĩ Rahel Zewude, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, kể với CNN: “Bà ấy đã gặp bác sĩ gia đình nhiều lần và đến phòng cấp cứu 7 lần trong 2 năm”. Mặc dù bà không uống rượu nhưng nồng độ cồn trong máu tăng cao và hơi thở cũng có mùi rượu. Cả người phụ nữ và gia đình liên tục khẳng định bà không uống rượu vì lý do tôn giáo.
Tuy nhiên, sau mỗi lần đến bệnh viện, bà đều được xuất viện với chẩn đoán ngộ độc rượu. Khi về nhà, bà cần nghỉ làm tới 2 tuần để hồi phục. Trong thời gian này, bà ăn rất ít. Sau đó 1-2 tháng, các triệu chứng say rượu của bà lại tái phát. Bà thậm chí còn được khám sức khỏe tâm thần.
Mãi đến khi bệnh nhân được cấp cứu lần thứ 7, bác sĩ mới nghĩ rằng hội chứng tự sinh rượu có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng kỳ lạ đó. Bà được kê đơn thuốc và giới thiệu đến một chuyên gia dinh dưỡng. Vị chuyên gia phát hiện những bữa ăn chứa nhiều tinh bột sẽ khiến nồng độ cồn trong máu của người phụ nữ tăng nhanh.
Sau khi người bệnh thực hiện chế độ ăn kiêng low-carb (ít tinh bột) trong một tháng và dùng thuốc chống nấm, các triệu chứng đã biến mất và không xuất hiện trong 4 tháng. Nhưng khi quay lại ăn thực phẩm chứa tinh bột, bà tái phát chứng nói ngọng và buồn ngủ dẫn đến té ngã.
Tiến sĩ Zewude viết trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada: "Hội chứng tự sinh rượu gây ra những hậu quả đáng kể về mặt xã hội, pháp lý, y tế cho bệnh nhân và người thân của họ”.
Theo vị tiến sĩ trên, chuỗi triệu chứng say rượu của bệnh nhân bắt đầu sau khi bà dùng nhiều đợt kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu cùng với thuốc ức chế bơm proton để giảm lượng axit trong dạ dày. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong ruột và tạo điều kiện cho nấm có hại xâm chiếm. Nấm biến tinh bột trong thức ăn thành cồn.
Theo An Yên/vietnamnet