Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc. Giai đoạn nắng nóng là thời điểm nhiều người dễ mắc bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm
Theo Mayo Clinic, ngộ độc thực phẩm xuất hiện khi chúng ta ăn phải đồ ăn, thức uống bị nhiễm vi khuẩn. Các sinh vật truyền nhiễm - bao gồm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng - hoặc độc tố của chúng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm.
Các nguồn gây độc có thể xuất hiện ở bất kỳ quá trình nào của thực phẩm, từ thu hoạch, chế biến, sản xuất hay bảo quản không đúng cách.
Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện vài giờ sau khi ăn phải đồ ăn hay nước uống bị nhiễm độc. Người bệnh sẽ cảm thấy những triệu chứng như buồn nôn, nôn ngay, thậm chí nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, có thể sốt. Với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người già, triệu chứng thường nặng hơn.
Do nôn và đi ngoài nhiều lần, bệnh nhân dễ bị mất nước, điện giải, trụy tim mạch và dẫn đến sốc nhiễm khuẩn (nếu ngộ độc do vi khuẩn gây ra).
|
Người bệnh sẽ cảm thấy những triệu chứng như buồn nôn, nôn ngay, thậm chí nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, có thể sốt. Ảnh: The Mirror. |
Những vi khuẩn gây ngộ độc cần đặc biệt lưu ý
Vi khuẩn gây nhiễm trùng ruột Campylobacter: Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi, chiếm từ 5-14% tổng số ca bệnh tiêu chảy toàn cầu. Campylobacter thường xuất hiện trong thịt gia súc và gia cầm. Quá trình nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi chế biến nếu phân động vật tiếp xúc với bề mặt thịt. Một số nguồn lây nhiễm khác là sữa chưa tiệt trùng, nước bị ô nhiễm.
|
Các thực phẩm không được nấu chín hoặc nấm mốc, ôi thiu dễ gây ngộ độc. Ảnh: Mayo Clinic. |
- Vi khuẩn Clostridium botulinum: Đây là một vi khuẩn Gram dương, hình que sinh độc tố thần kinh botulinum neurotoxin typ A-G, là nguyên nhân gây liệt cơ khi bị ngộ độc thịt. C.botulinum có khả năng sinh độc tố rất mạnh trong thực phẩm (thịt, sữa) và chỉ cần 0,035 mg độc tố đã đủ giết chết người. Tuy vậy, độc tố của chúng dễ bị mất hoạt tính bởi nhiệt độ 600 độ C trong 30 phút. Chúng có khả năng lây nhiễm và phát triển mạnh trong các loại thực phẩm như thịt, cá ướp muối, ướp lạnh, thịt hun khói, thịt hộp, cá hộp, sữa hộp, xúc xích, phô mai…
- Vi khuẩn Clostridium perfringens: Loại vi khuẩn này có thể dẫn tới viêm ruột hoại tử và thường có trong đất, cát, cống rãnh hay ruột của động vật. Khuẩn Clostridium perfringens lây lan trong các thực phẩm nguội, lạnh của các cửa hàng ăn uống.
- Escherichia coli (E.coli): Những chủng E.coli gây độc hại có thể tìm thấy trong ruột, phân của các loài gia súc, đặc biệt là trong phân bò (E.coli 0157:H7). Ngoài ra, khuẩn E.coli còn có trong thịt băm, thịt xay, thịt hamburger; nguồn nước (nếu nước không được khử trùng bằng chlorine); rau cải, trái cây, giá sống, sữa và các loại nước trái cây đóng hộp chưa được khử khuẩn.
- Vibrio parahemolyticus: Loại vi khuẩn được tìm thấy ở vùng biển. Nếu ăn tôm, cá, sò, nghêu chưa được nếu chín có thể dẫn tới ngộ độc.
- Shigella: Là một nhóm các vi khuẩn có thể gây viêm dạ dày ruột với bệnh lỵ và dẫn tới nhiễm trùng đường ruột. Shigella lây nhiễm khi người chế biến thực phẩm không rửa sạch tay, mang khuẩn từ thực phẩm tươi sống sang các loại đồ ăn, rau củ quả khác.
|
Ăn chín uống sôi để phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Mayo Clinic. |
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm như thế nào?
Ngộ độc thực phẩm có khả năng đe dọa đến tính mạng, do đó cần cẩn trọng khi vệ sinh, chế biến và bảo quản thực phẩm.
- Rửa sạch tay, dụng cụ chế biến: Rửa kỹ tay bằng nước ấm, xà bông trước khi xử lý thức ăn. Dùng xà bông và nước sôi để khử khuẩn cho thớt, dao và các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm.
- Tách biệt đồ ăn chín và đồ ăn sống: Khi mua sắm, cần bảo quản thực phẩm sống và chín riêng để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
- Ăn chín, uống sôi, rửa hoa quả, ngâm nước muối trước khi ăn: Cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn khỏi thực phẩm là nấu chín thức ăn. Nhờ cách này, bạn có thể tiêu diệt đa phần các loại thực phẩm gây hại. Ví dụ, thịt bò xay nấu đến 71,1 độ C; steak, thịt quay, sườn, thịt lợn, thịt bê nấu ở ít nhất 62,8 độ C; gà cần nấu ở ít nhất 73,9 C…
- Bảo quản lạnh: Mùa hè, nền nhiệt tăng cao nên thực phẩm dễ bị thiu, hỏng mốc, vì vậy cần bảo quản trong vòng tối đa 2 giờ sau khi mua.
- Rã đông an toàn: Không nên làm tan đá thức ăn ở nhiệt độ phòng. Thay vào đó hãy để thực phẩm rã đông ở ngăn mát của tủ lạnh. Nếu thực phẩm rã đông bằng lò vi sóng xong cần chế biến ngay.
- Không sử dụng nếu nghi ngờ hỏng, thiu, thối: Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa vi khuẩn và độc tố không thể tiêu diệt bằng cách nấu. Do đó nếu nghi ngờ thức ăn kém vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng.
Theo Thiên Nhan/Tri thức trực tuyến