Nguy cơ nhiễm sán từ món gỏi thịt trâu, bò sống

Google News

Trâu, bò, lợn có nang ấu trùng sán dây là tác nhân chủ yếu lây truyền bệnh sán dây cho con người.

Các loại gỏi thịt bò, thịt trâu tái có thể là món ăn yêu thích của nhiều người. Đặc biệt, trong những dịp nghỉ lễ Tết, món gỏi trộn thịt tái được ưa chuộng trên mâm tiệc kèm rượu bia.

Tuy nhiên, người dùng các món gỏi trộn thịt lợn, bò, trâu chưa chế biến kỹ có nguy cơ mắc bệnh sán dây. Theo Bộ Y tế, bệnh sán dây phân bố ở nhiều nước có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém thuộc khu vực châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á... trong đó có Việt Nam.

Bệnh sán dây (taeniasis) là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng sán.

Nguy co nhiem san tu mon goi thit trau, bo song
 

Về tác nhân, bệnh sán dây là do các loài sán dây trưởng thành gồm sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), và sán dây châu Á (Taenia asiatica) ký sinh trong ruột gây nên. Nguồn bệnh từ lợn, trâu, bò mang ấu trùng sán dây.

Người ở tất cả lứa tuổi và cả hai giới đều có khả năng mắc bệnh sán dây. Kháng thể đặc hiệu có thể xuất hiện 3-4 tuần sau khi nhiễm và tồn tại trong thời gian ngắn. Con đường lây nhiễm của sán dây có 2 giai đoạn chính.

Sán dây trưởng thành dạng lưỡng tính sống ký sinh trong ruột người. Đốt sán rụng tự bò ra hoặc theo phân ra ngoài môi trường bị phân hủy giải phóng trứng. Đây là giai đoạn chẩn đoán.

Trâu, bò, lợn ăn phải trứng và đốt sán dây phát tán trong môi trường hoặc ăn phân người có trứng sán dây. Sau khi vào dạ dày và ruột (của trâu, bò, lợn), ấu trùng được nở ra và chui qua thành ống tiêu hóa vào máu, tới các cơ vân tạo kén ở đó.

Người ăn phải thịt lợn, trâu, bò có nang ấu trùng còn sống thì ấu trùng sán dây vào ruột nở ra con sán dây trưởng thành. Đây là giai đoạn nhiễm. Trường hợp người nuốt phải trứng sán dây lợn sẽ phát triển thành bệnh ấu trùng sán lợn.

Lúc mới nở, sán dây chỉ có đầu và một đoạn cổ. Sán lớn lên và phát triển bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ đốt cổ và sán dài dần ra, sống ở ruột non. Chiều dài của sán trưởng thành thường là 5 m hoặc thấp hơn đối với sán dây bò (nhưng cũng có thể lên đến 25 m) và 2 đến 7 m đối với sán dây lợn.

Khi nhiễm sán dây, người bệnh thường có triệu chứng không điển hình như: Đau bụng là triệu chứng thường gặp, đau âm ỉ vùng quanh rốn. Buồn nôn, nôn khan. Rối loạn tiêu hóa, thường gặp là táo bón hoặc tiêu chảy. Thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.


Theo Bích Huệ (ZingNews)