Dịch vụ tiêm, truyền trắng da không chỉ thực hiện "chui" tại cơ sở thẩm mỹ viện, nó đã lan sang hệ thống spa. Nhiều "spa hoá" sẵn sàng truyền trắng da, bằng đủ thứ được cho là tinh chất, tế bào gốc... vào da mặt của các "thượng đế" bất chấp việc các dịch vụ này không được cấp phép.
Spa làm “chui” tiêm, truyền trắng
Phóng viên thực tế tại nhiều spa trên địa bàn TP HCM cho thấy, rất nhiều cơ sở spa thực hiện tư vấn dịch vụ vượt phạm vi cho phép.
|
Cơ sở làm đẹp công khai quảng cáo thực hiện "chui" truyền trắng da cho "thượng đế" (hình quảng cáo truyền trắng trên web bongspa.vn)
|
Tại spa A.D (Khu dân cư Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM) nhân viên tên P. tư vấn: Bên em tiêm truyền trắng da trực tiếp vào tĩnh mạch có lộ trình 10 lần, thuốc truyền nhập từ Thuỵ Sĩ. Truyền như truyền nước biển, đến lần 4 và lần thứ 5 nhân viên sẽ pha nước muối (loại dùng cho tiêm truyền) vào thuốc và truyền trực tiếp vào tĩnh mạch. Truyền tĩnh mạch sẽ giữ được da trắng từ 6-8 năm, nhưng nếu muốn da căng sáng mãi thì cách một tháng sẽ truyền dặm lại một lần. Chị em đang mang thai hoặc đang cho con bú đều có thể tiêm truyền trắng”... ?!
Còn tại Lona’s spa (Q. Gò Vấp, TP HCM) nhân viên spa tư vấn: Bên em thực hiện PRP là lấy máu tự thân, qua quá trình xử lý lấy huyết tương, phối trộn dưỡng chất HA rồi cấy vào da, giá 2.000.000đ/lần; tiêm siêu căng bóng da mặt Korea 3.000.000đ/lần.
Để tạo lòng tin của khách, nhân viên spa đưa ra sản phẩm được cho là “tinh chất” tiêm trắng da, thu nhỏ lỗ chân lông, mờ nám... có xuất xứ Hàn Quốc và Tây Ban Nha, nhưng tìm đỏ mắt không thấy nhãn phụ tiếng Việt hướng dẫn sử dụng. Nhân viên spa cho hay: "Muốn da mặt căng bóng, mịn nhanh nhất thì nên tiêm căng bóng có ủ tê, một tháng tiêm 2 lần. Chị chủ sẽ phối trộn thuốc, chúng em chỉ việc tiêm cho khách”.
|
Sản phẩm được cho là tinh chất tiêm căng bóng, trắng da, thu nhỏ lỗ chân lông... không tuân thủ quy định nhãn mác bao bì. |
Không chỉ trực tiếp tư vấn thực hiện các dịch vụ tiêm, truyền trắng sáng da cho khách, trên nhiều trang web của một số cơ sở làm đẹp còn công khai quảng cáo dịch vụ không phép này.
Trang web thammylinhanh.vn giới thiệu Công ty TNHH thẩm mỹ quốc tế Linh Anh, quảng cáo “Truyền trắng phiên hồng hoa - giải pháp giúp bạn rời xa làn da đen nhẻm”.
Thẩm mỹ viện Shynh (Q. Phú Nhuận, TP HCM) thì quảng cáo: “...Truyền noãn thực vật đưa dưỡng chất truyền trực tiếp thẩm thấu vào máu. Giúp hiệu quả đạt được nhanh chóng và hiệu quả nhất. Chiết xuất noãn thực vật từ tế bào gốc hữu cơ Thụy Sỹ, được FDA Hoa Kỳ chứng nhận an toàn và hiệu quả với mọi hệ miễn dịch của cơ thể”.
Còn Bống Spa (thuộc Công Ty TNHH Bống Spa, TP HCM) thì quảng cáo: "Đã có hàng trăm triệu ca thành công bởi phương pháp truyền trắng. Và với phương pháp này cũng được FDA (Hoa Kỳ) đảm bảo an toàn cho sức khỏe".
Nguy cơ sốc phản vệ, tử vong cao
Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) đã từng cấp cứu cho chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi) bị sốc phản vệ sau truyền trắng. Trải qua cơn thập tử nhất sinh chị H. kể lại: Sau khi tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da tại thẩm mỹ viện, tôi rơi vào tình trạng đau đầu, sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh…người nhà đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Chị H. được chỉ định tiêm và truyền Adrenalin liên tục theo đúng phác đồ xử trí phản vệ quy định tại thông tư 51 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và xử trí phản vệ. Nhờ được can thiệp, xử trí kịp thời sức khỏe của chị H. dần ổn định, tỉnh táo, hết ban đỏ, hết khó thở, không còn rét run, huyết động ổn định.
Các bác sĩ nhận định: Đây là trường hợp sốc phản vệ sau truyền trắng, người bệnh rất dễ bị nặng thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
|
Chị H. điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Bưu Điện (hình: suckhoedoisong) |
Theo PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, cơ sở thẩm mỹ và spa chỉ được thực hiện các liệu pháp ngoài da, không xuyên qua da, không chảy máu, chích, truyền thuốc hay đưa bất cứ hóa chất gì qua da người tức là đã “xâm lấn”. Các biện pháp cấy, tiêm, chích đều tác động qua mô dưới da, mô mỡ…Việc TMV, spa thực hiện dịch vụ cấy, tiêm tinh chất cho khách hàng là vượt phạm vi chuyên môn được cấp phép, điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng khách hàng.
Trao đổi với phóng viên Tri thức và Cuộc sống, BS Huỳnh Văn Quang - Phòng khám da liễu Huỳnh Quang (Q.Gò Vấp, TP HCM) cho biết, sản phẩm được cho là chứa các chế phẩm tiêm truyền tinh chất trắng da đang bị thổi phồng tác dụng chứa vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, acid alpha lipoic (ALA), collagen… Thực chất, glutathione là chất do gan tiết ra có tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể giải độc. ALA là một acid béo có trong cơ thể làm nhiệm vụ chuyển hóa đường glucose thành năng lượng và nó cũng là chất chống oxy hóa.
Glutathione còn là thành phần trong thuốc điều trị xơ gan phải theo toa của bác sĩ. Do đó, cơ quan chức năng không cho phép có trong danh mục làm đẹp, tuyệt đối không được lạm dụng sử dụng thẩm mỹ làm trắng sáng da.
Truyền trắng da chỉ mang tính tạm thời, nếu tiêm, truyền lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương các cơ quan nội tạng như gan, thận, tuyến giáp... Đặc biệt, nguy cơ sốc phản vệ cao, ảnh hưởng đến tính mạng người truyền dịch.
|
"Thuốc" tiêm trắng da bán trên một trang mạng. |
Xử phạt như “muối bỏ biển”
Chia sẻ với báo chí, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho hay, những năm qua đơn vị đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở liên quan đến dịch vụ tiêm, truyền trắng da trực tiếp vào tĩnh mạch.
Thanh tra Sở y tế đã phối hợp với Phòng Y tế quận 3 bắt quả tang bà Phạm Thị Hồng Vi, tự xưng là điều dưỡng Chi nhánh Công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Linh Anh (địa chỉ 277 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Q.3, TP HCM) đang thực hiện dịch vụ truyền trắng trái phép cho khách hàng Lê Kim Ngọc. Bà Phạm Thị Hồng Vi chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 2 chai dịch truyền đang sử dụng cho khách hàng.
Đoàn thanh tra Sở Y tế TP cũng phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố, Phòng Y tế quận 12 và chính quyền địa phương phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TP HCM) kiểm tra hoạt động tại cơ sở Spa Hana Bùi (địa chỉ số A14-03, chung cư Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Q.12), ghi nhận Spa Hana Bùi do bà Bùi Ngọc Lan làm chủ và là người trực tiếp thực hiện việc nhấn mí, tiêm filler cho khách.
Thanh tra Sở đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay việc truyền trắng, tiêm filler, xoá bỏ quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định...
|
Spa "vô tư" quảng cáo, tư vấn và thực hiện các dịch vụ làm đẹp "chui". |
Theo luật sư Đỗ Ngọc Oánh, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện hoạt động dịch vụ “chui” là những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng thực hiện dịch vụ làm đẹp vượt phạm vi chuyên môn, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tùy theo mức độ vi phạm, spa, thẩm mỹ viện “chui” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Theo đó, về trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ, việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.
Ngoài ra, hành vi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nếu gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000đ trở lên thì nhân viên trực tiếp thực hiện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và có thể phải đối diện với mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.
Sau xử phạt và những phản ánh khuyến cáo rầm rộ trên thông tin đại chúng, thì mọi hành vi “vượt rào” trong thẩm mỹ làm đẹp không có sự thay đổi nhiều. Thực tế, quảng cáo truyền trắng vẫn nhan nhản trên websize của nhiều cơ sở làm đẹp. Việc thực hiện “chui” các loại hình dịch vụ làm đẹp quá coi thường sức khoẻ và tính mạng con người, luật pháp cần có chế tài phạt nặng đối với các cơ sở làm đẹp vi phạm pháp luật, có thể cấm hành nghề vĩnh viễn... mới mong “dẹp loạn” thẩm mỹ trái phép.
“Phương pháp làm đẹp bằng tiêm, truyền làm trắng da chỉ là “bịp bợm”, ngay cả bệnh viện cũng không được làm vì dịch vụ không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế, châu Âu cũng cấm dùng. Có trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy do bị sốc sau tiêm truyền chất làm trắng, biểu hiện khó thở, mệt... giống như bệnh lý sốc thuốc do dùng vitamin C liều cao” - (PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng -Phó chủ Hội Thẩm mỹ TP HCM)
Quỳnh Hương