Nguyên do gây huyết áp lúc tăng lúc giảm

Google News

(Kiến Thức) - Có nhiều tác nhân ảnh hưởng tới con số huyết áp: Nội tiết, trương lực thần kinh giao cảm, phó giao cảm, điện giải và các tác nhân đó thay đổi làm huyết áp thay đổi theo. 

Hỏi: Tôi 76 tuổi. Cách đây 5 năm tôi bị lên cơn tăng huyết áp và phải vào Bệnh viện Hữu Nghị điều trị 2 tuần. Từ đó, theo hướng dẫn của bác sĩ, hằng ngày tôi uống thuốc hạ áp và kiểm tra huyết áp. Nhưng gần đây huyết áp của tôi lúc tăng 140/75, lúc lại tụt xuống 97/65, và nhịp tim thường từ 90 - 95. Đi làm điện tim thì kết quả bình thường. Xin hỏi, huyết áp lúc tăng lúc giảm như vậy thì tôi có nên tiếp tục uống thuốc hạ áp (Amlodipin) nữa không? Hoặc cách xử trí thế nào? - Thanh Lịch (16 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
 
GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Trường hợp của ông, có lúc huyết áp 140/75, có lúc 97/65, nhưng nếu ghi số huyết áp trong 24 giờ, gọi là theo phương pháp Holter, ta có thể còn thấy nhiều thay đổi nữa. Dù thế nào đi nữa, ông vẫn là người mắc bệnh tăng huyết áp. 
Có nhiều tác nhân ảnh hưởng tới con số huyết áp: Nội tiết, trương lực thần kinh giao cảm, phó giao cảm, điện giải và các tác nhân đó thay đổi làm huyết áp thay đổi theo. Ông nên kiểm tra kỹ về hóa sinh, về động mạch vành với chẩn đoán hình ảnh như MSCT để có thể biết được nguyên nhân của những thay đổi đó. Về thuốc Amlodipin: Chỉ dùng khi huyết áp tăng cao từ 140mmHg trở lên. Và theo khuyến cáo của nhiều nơi, người ta thấy nhiều khi phải dùng từ 2 thứ thuốc trở lên mới đạt được con số huyết áp mình mong muốn, gọi là huyết áp mục tiêu. 
Riêng đối với trường hợp của ông, nếu huyết áp tăng cao từ 140mmHg trở lên (huyết áp tâm thu, còn gọi là huyết áp tối đa) thì vẫn uống Amlodipin, nhưng nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để quyết định cho bao nhiêu loại thuốc ngoài Amlodipin, hoặc có khi phải thay đổi cả Amlodipin nữa, nhất là nên biết mình có bị bệnh gì khác nữa về tim mạch hay không. 
PV (ghi)