Nhà chồng em đông anh em, dưới anh ấy còn 1 người em trai với 2 cô em gái nữa, tất cả đều đã lập gia đình. Về chuyện đất đai nhà cửa, bố mẹ chồng em ăn ở khá công bằng.
Vợ chồng em là trưởng được sống trên đất tổ tiên thì phải có trách nhiệm chăm lo cho ông bà cũng như thờ phụng các cụ tiên tổ. Con trai thứ bố mẹ cũng cho một mảnh đất, tuy nhỏ hơn nhà chúng em ở nhưng cũng là mặt đường và có giá trị tiền tỷ.
2 cô con gái, bố mẹ không có đất cho thì khi họ đi lấy chồng, ông bà đều cho của hồi môn, lúc họ mua nhà ông bà cũng thêm cho vài trăm triệu.
Thế mà cứ hễ mở miệng là cô mấy em chồng em lại bì tị rằng vợ chồng em là trưởng được bố mẹ cho phần hơn nên phải gánh mọi trọng trách trong nhà, con thứ, con gái không phải lo gì hết.
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình)
Cũng bởi mang suy nghĩ ấy mà mỗi khi nhà có công có việc, lớn hay nhỏ các em chồng đều đùn đẩy hết cho vợ chồng anh cả.
Ngày giỗ hay tết lễ họ không bao giờ giúp đỡ anh chị, chỉ tới bữa là về ngồi mâm cho đầy đủ. Ăn xong lại đứng dạy về. Nhiều lần chồng em góp ý nhưng cả trai gái, dâu rể trong nhà đều đáp lại:
“Anh chị là trưởng phải lo việc gia đình là đúng. Hơn nữa anh chị xem, có ai sướng như anh chị được bố mẹ cho cơ ngơi lớn thế này, bọn em chỉ được tí gọi là vớt vát có thấm tháp gì. Chẳng lẽ anh chị được hưởng nhiều thế mà mấy việc cỏn con như giỗ chạp mà cũng không lo được".
Rồi ngay cả bố mẹ ốm, các em chồng cũng ỉ hết cho vợ chồng em chăm. Ông bà nhìn các con sống thiếu trách nhiệm như thế nhiều lần lên tiếng dạy bảo mà họ chỉ vâng dạ để đó.
Như hôm qua nhà có giỗ cụ nội, vợ chồng em làm mấy mâm gọi là con cháu trong nhà về quây quần ăn uống cho vui.
Vẫn như mọi lần, các em chồng không hề hỏi trước xem anh chị làm thế nào, hay lên tiếng đóng góp. Thực ra, chưa bao giờ chúng em yêu cầu mọi người phải góp giỗ nhưng nó thể hiện tấm lòng với tổ tiên và cũng là có sự san sẻ giữa anh chị em trong nhà.
Đằng này cứ tới bữa họ về tay không, đến đĩa hoa quả em chồng em cũng không có để dâng thờ các cụ. Họ bảo người trong nhà cần gì phiền phức.
Đúng lúc 11h trưa 3 gia đình vừa tới cửa, bố chồng em chỉ tay từng người bảo:
“Các anh các chị kể cũng vô tư nhỉ, một năm tính ra cũng phải chục đám giỗ mà toàn để mình anh trai chị dâu lo, đến bữa vác miệng về ăn. Các con không biết ngượng mặt à. Nếu đi ăn cỗ mà cứ việc đưa miệng tới, không phải đóng góp gì tôi đi ăn cả đời cũng được”.
Mấy người kia nghe bố nói, đỏ mặt không ai dám lên tiếng. Bố chồng em vẫn tiếp tục: “Nếu còn lần sau như vậy, tao cấm cửa khỏi cần chúng mày về vì nhà tao không thiếu người ăn”.
Nghe tới đây, họ vội vã dạ vâng mà không biết có thay đổi không nữa.
Theo NQ/VietNamnet