Ngày 13/3, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, từ cuối tháng 2 đến nay, Trung tâm Chống độc bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc methanol đến từ Bắc Ninh. Họ là công nhân của công ty sản xuất linh kiện điện tử.
Trong quá trình làm việc, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt và thao tác lau sạch đồ bằng cồn ethanol. Đến cuối tháng 2/2023, công ty chuyển sử dụng sang lô cồn ethanol mới. Sau đó, các công nhân bắt đầu thấy mệt, đau đầu.
Trong đó, chị N.T.H (42 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) bị nặng nhất. Cụ thể, từ ngày 27/2, người phụ nữ này có triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, sau đó lơ mơ dần. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Thuận Thành cấp cứu.
Ngày 28/2, chị được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol trong máu là 123,16 mg/dL, não tổn thương nặng.
Dù đã được điều trị các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức, giải độc, lọc máu, tuy nhiên, não của bệnh nhân tổn thương nặng không hồi phục. Gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, chị H. đã tử vong.
|
Bác sĩ Nguyên đánh giá mức độ tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc methanol. Ảnh BVCC. |
Đến nay, tổng số công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là 108 người, trong đó 37 người bị nhiễm methanol với các mức độ khác nhau. Cụ thể:
- 22 người nhiễm methanol chưa có triệu chứng
- 8 nhiễm độc người mức độ nhẹ, chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng
- 7 người nhiễm độc methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch. Trong đó, một người tử vong, 4 người tiên lượng di chứng nặng hoặc mất khả năng nhìn, một người di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động,…).
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, loại cồn công ty sử dụng đã được một người nhà bệnh nhân gửi tới trung tâm xét nghiệm. Kết quả cho thấy nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol. Các công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm chất này và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.
Vị chuyên gia này cũng cho biết cách đây vài năm, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị nhiễm độc methanol sau khi làm việc trong một xưởng sản xuất cồn khô, do tiếp xúc qua da và đường hô hấp. Bệnh nhân này bị nhiễm độc nặng, không tử vong nhưng tổn thương mắt. Trung tâm đã thông báo vấn đề này đến cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trường hợp xảy ra ở Bắc Ninh là vụ việc nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động đầu tiên được phát hiện, ảnh hưởng tới nhiều người.
Theo Phương Thuý/Vietnamnet