Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em đang tìm hiểu một cô gái, khi tiếp xúc thấy ngoan hiền và ít nói. Nhưng em hơi hoảng khi đọc những dòng trạng thái của cô ấy trên Facebook chị ạ.
Thỉnh thoảng không rõ cô ấy buồn vui hay khó ở chuyện gì, lại vô cớ buông những câu lấp lửng như đang… chửi đổng ai đó. Có vẻ như cô sợ không nói những điều dữ dằn đó thì thiên hạ sẽ quên mất cô. Thí dụ: “Đừng tưởng bở nha. Đợi đó tôi bóc phốt, tôi chửi vào mặt cho coi”.
|
Ảnh minh họa. |
Rồi có những “phản biện” tỏ ra nguy hiểm và kém hiểu biết. Ngoài những câu “chửi bới” đanh đá không tiện nêu ở đây, cô còn rất phù phiếm, hay đăng hình ăn chơi, diện áo quần, tụ tập bạn bè, nhìn mặt rất… dữ.
Em cũng biết là sống ảo thôi, nhưng vẫn rất phân vân.
Có khi nào Facebook là nơi đánh giá chính xác con người không hả chị? Nếu sống bên ngoài khác, trên mạng khác, thì có hiểu là thiếu trung thực không?
Phạm Bình (TP.HCM)
Kính gửi anh Phạm Bình,
Có lẽ chúng ta khỏi bàn nhiều về tính chất “sống ảo” trên Facebook và các mạng xã hội nói chung, vì ai cũng hiểu cái hay cái dở của nó rồi. Phương tiện kết nối tốt nhất hiện có, nhưng cũng đầy các nhược điểm như thường nghe về tin giả, sự lừa đảo và bị lấy cắp thông tin cá nhân. Ngoài những thứ đó ra thì trên mạng xã hội thể hiện rất rõ quan điểm, cách ứng xử, văn hóa và một phần… chân dung người dùng.
Vậy tại sao nó “ảo” mà vẫn “tiết lộ” về chủ nhân. Các nhà tuyển dụng tất nhiên dựa trên công việc và phỏng vấn trực tiếp, nhưng họ vẫn… xem Facebook của ứng viên xin việc. Họ xem gì ở đó? Chắc là họ sẽ xem bạn bình luận gì, có hay đánh bóng quá mức bản thân không, lạc quan hay chán nản, tình cảm người khác dành cho bạn… Những điều đó phần nào thể hiện kiến thức và lộ ra tính cách của bạn…
Facebook còn có tính chất “thay lời muốn nói”, cho nên với những người yêu nhau, không ai có thể thờ ơ, chẳng dại gì mà không tranh thủ tìm hiểu từ xa con người mà mình đang muốn tìm hiểu. Có thể họ sẽ thấy ở đó một người bạn hài hước, tế nhị, hiểu biết, bằng cách tham gia ý kiến các vấn đề xã hội, hay chỉ là hiền lành (có khi là né tránh chốn thị phi) qua việc đăng ảnh đi chơi, thức ăn, hoa lá, thiên nhiên, thơ phú…
Cô gái của anh lại dữ dằn mắng mỏ người khác, bình luận thiếu hiểu biết, tụ tập bạn bè không tốt… nếu những điều này khiến anh không yên tâm và cảm thấy… sợ, thì hãy coi đó như là những cảnh báo, những “chỉ dẫn” cho việc phải tìm hiểu kỹ hơn. Khi gặp gỡ, giao tiếp, anh thấy cô hiền và ít nói – có vẻ khác xa những gì cô thể hiện trên mạng – thì anh hãy tìm hiểu xem vì sao có sự khác nhau đó. Tôi nghĩ anh cũng nên “phát biểu cảm tưởng” và nhận xét cũng như nói lên sự lo ngại của mình để cô ấy biết, và hỏi xem cô nghĩ gì về chuyện này.
Khi đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mà đã “nảy sinh sự hoài nghi”, thì phải tìm hiểu lâu hơn trước khi quyết định điều gì. Đó là bản chất, hay chỉ là nhất thời nông nổi, “tỏ ra mình chẳng kém gì thiên hạ”? Nhiều người bản chất hiền lành, nhút nhát, nhưng lại tưởng lầm rằng phải xù lông như một con nhím thì người ta mới sợ. Nếu bản chất cô ấy tốt, và những thứ kia chỉ là ảo và học đòi dại dột, thì nếu anh tỏ thái độ không thích, cô ấy sẽ sửa ngay.
Khi yêu chân thành, ai cũng muốn cho bạn đời của mình cảm nhận những điều tốt nhất, và bản chất thực sự của mình để hòa hợp.
Chúc anh may mắn!
Theo Hạnh Dung/Báo Phụ Nữ