Hàn Quốc điều tra 2 người chết sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca
Các nhà chức trách Hàn Quốc ngày 3/3 cho biết đang điều tra vụ 2 người tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 của Hãng AstraZeneca (Anh) chỉ vài ngày.
|
Tiêm vaccine AstraZeneca cho nhân viên viện dưỡng lão tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/2. Ảnh: Reuters. |
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin một bệnh nhân 63 tuổi tại viện dưỡng lão đã xuất hiện các triệu chứng, bao gồm sốt cao, sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca. Người này được chuyển đến bệnh viện lớn hơn vào ngày 2/3 nhưng đã chết sau khi có các triệu chứng nhiễm độc máu và phổi.
Người còn lại ở độ tuổi 50, bị rối loạn chức năng tim và tiểu đường, qua đời ngày 3/3 sau nhiều cơn đau tim.
Một quan chức của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nói với Hãng tin Reuters rằng họ đang điều tra nguyên nhân tử vong của hai người này nhưng chưa có bình luận về các chi tiết trong thông tin mà Yonhap đăng tải.
Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng đại trà vào tuần trước. Tính tới khuya ngày 2/3, có 85.904 người đã được tiêm vaccine AstraZeneca và 1.524 người được tiêm vắc xin Pfizer, theo số liệu từ KDCA.
Một phụ nữ Nhật Bản tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế Nhật Bản ngày 2/3 cho biết một phụ nữ 60 tuổi ở nước này đã tử vong hôm 1/3 sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, song cho đến nay chưa phát hiện mối liên quan giữa việc tiêm phòng và ca tử vong này.
Theo thông báo, người phụ nữ này đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 26/2 và không có bất kỳ dị ứng nào với vaccine này. Đây là ca tử vong đầu tiên sau khi tiêm phòng ngừa COVID-19 được ghi nhận ở Nhật Bản.
Người phụ nữ này không có tiền sử bệnh lý, được cho là tử vong do Chảy máu dưới nhện (SAH), một thể đột quỵ chảy máu não và là một cấp cứu thần kinh với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao.
Trong khi đó, ông Tomohiro Morio, thành viên của ủy ban làm việc về vaccine trực thuộc Bộ Y tế Nhật Bản, cho biết dựa trên các trường hợp tiêm chủng ở nước ngoài, dường như không có mối liên quan giữa tiêm phòng vaccine COVID-19 và chứng bệnh SAH.
30 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Pfizer ở Na Uy
Có khoảng 30 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer - BioNTech báo cáo trong số những người già yếu ở các viện dưỡng lão Na Uy. Các nhà chức trách Na Uy đánh giá, trong số này, 13 trường hợp tử vong được báo cáo là có khả năng liên quan đến việc tiêm chủng vaccine.
|
Na Uy đưa ra khuyến cáo rằng, vaccine COVID-19 có thể quá rủi ro đối với những người quá già và mắc bệnh nan y. Ảnh: Reuters. |
Ngày 15/1, các nhà chức trách Na Uy cho biết: “Ở Na Uy, chúng tôi đang tiêm phòng COVID-19 cho người già và những người trong viện dưỡng lão mắc các bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng, do đó, dự kiến có thể xảy ra trường hợp tử vong gần với thời điểm tiêm phòng”.
Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết: có 13 trường hợp tử vong đã được giám định và 16 ca khác đang được kiểm tra. Tất cả các nạn nhân được ghi nhận là người cao tuổi, hầu hết đều gặp phải các tác dụng phụ dự kiến của vaccine như buồn nôn và nôn, sốt, phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm khiến bệnh nền tồi tệ hơn.
Phát hiện mới khiến Na Uy đưa ra khuyến cáo rằng, vaccine COVID-19 có thể quá rủi ro đối với những người quá già và mắc bệnh nan y.
Mời độc giả xem video "Lô VACCINE COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về tới Việt Nam". Nguồn: VTV24.
WHO kết luận về sự cố chết người sau khi tiêm vaccine COVID-19 ở Na Uy
Cuối tháng 1/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech góp phần gây ra cái chết cho những người cao tuổi và khuyến cáo mọi người vẫn nên sử dụng loại vắc xin này, theo Bloomberg.
Các ca tử vong xảy ra theo tỷ lệ tử vong dự kiến, do mọi nguyên nhân. Các nguyên nhân gây tử vong trong một nhóm nhỏ những người già yếu và mọi thông tin hiện có không thể xác nhận vaccine có liên quan tới những sự cố trên.
Cố vấn Toàn cầu của WHO về An toàn Vắc xin cho biết tỷ lệ giữa lợi ích và rủi ro của vắc xin vẫn phù hợp với người cao tuổi.
WHO tiến hành phiên họp hôm 19/1 để xem xét việc một số người già có bệnh nền đã chết sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech ở Na Uy.
Thảo Nguyên