Sáng 1/6, Hội tâm lý trị liệu Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề: “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và thách thức”.
Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về tâm lý trị liệu ở Việt Nam. Tại sự kiện, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả và hội viên trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng và tâm lý trị liệu trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về những nghiên cứu và phương pháp trị liệu khác nhau.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết, nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn/tư vấn và trị liệu tâm lý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Hiện tại, nhân lực các nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý lâm sàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, cộng đồng xã hội.
|
PGS. TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam |
Ngày 09/01/2023, Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Khám Bệnh Chữa Bệnh số 15/2023/QH15, mã nghề tâm lý lâm sàng trở thành chức danh chuyên môn trong hệ thống khám chữa bệnh, để được hành nghề nhà tâm lý lâm sàng cần phải có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề (GPHN).
Chính phủ đã công bố Nghị định Số 96/2023/NĐ-CP vào ngày 30/12/2023 và Bộ y tế đã ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BYT vào ngày 31/12/2023, cả 2 văn kiện này có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Giấy phép hành nghề cho các nhà tâm lý lâm sàng sẽ được cấp bởi Hội đồng y khoa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh hoặc thành phố.
Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Quyết định số 499/QĐ-BNV ngày 13/06/2019, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, và được phân cấp quản lý về lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Bộ Y tế theo Quyết định số 350/QĐ-BNV ngày 25/05/2020.
Chia sẻ về thách thức về Tâm lý học lâm sàng/tâm lý trị liệu (TLLS/ TLTL) tại Việt Nam, PGS.TS Võ Văn Bản cho biết, vấn đề khó khăn đầu tiên là vấn đề tài chính, người bệnh không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc họ không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế không chi trả; nhà TLLS ở Việt Nam chưa được chi trả đúng với năng lực của họ;
Ngoài ra còn hiếu nhân lực trong lĩnh vực TLLS/ TLTL; nhiều NTL chưa được đào tạo cơ bản về Tâm lý học lâm sàng, hiện nay mới chỉ có các trường thuộc Bộ GD & ĐT, còn trong hệ thống khoa học sức khỏe chưa có đào tạo về TLHLS.
|
Quang cảnh hội thảo |
Bên cạnh đó, trong hệ thống đào tạo của cả các ngành khoa học giáo dục lẫn trong ngành khoa học sức khỏe việc đào tạo về tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu, kể cả tâm bệnh học vẫn nặng về lý thuyết, thiếu về thực hành trị liệu tâm lý, đánh giá chẩn đoán các rối loạn tâm bệnh, các trắc nghiệm tâm lý.
"Bên cạnh đó, các thủ tục, bằng cấp đào tạo về lý thuyết, chứng nhận thực hành, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề cho nhà tâm lý lâm sàng chưa có hướng dẫn rõ ràng. Còn có sự kỳ thị trong xã hội về những người làm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đánh giá về vai trò của tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu của xã hội, của các cấp lãnh đạo chưa thỏa đáng...", Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam nhận định.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trao đổi, chia sẻ về thực hành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu; nghiên cứu về tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu và các đề tài khác liên quan đến lĩnh vực này.
Ngọc Anh