Với mong muốn các bậc phụ huynh, thầy cô cũng như cả cộng đồng quan tâm, nâng cao nhận thức hơn nữa về các vấn đề an toàn thực phẩm để học sinh được phát triển toàn diện, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam Nam đã tiến hành triển khai Dự án “Vệ sinh an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng học đường”.
|
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” |
Dự án sẽ bao gồm chuỗi các hội thảo do Báo và một số đơn vị đồng hành tổ chức, tập trung chủ yếu vào vấn nạn thực phẩm bẩn trong trường học hiện nay, đồng thời xây dựng thực đơn tiêu chuẩn cho học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, dự án cũng giúp mọi người cách nhận biết thực phẩm sạch, an toàn và phân biệt những thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP.
“Trường học nói không với thực phẩm bẩn” là hội thảo đầu tiên nằm trong chuỗi dự án này. Tại hội thảo tổ chức ngày 25/3, nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin rằng, trong thời gian vừa qua, tòa soạn đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về các vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm trong tập thể như trường học.
Điển hình là vụ việc của công ty Phú Thành Quốc đã cung cấp những “bữa ăn thịt thối” cho học sinh tại 2 trường: Trung học cơ sở Linh Đông và tiểu học Hiệp Bình Chánh (thuộc quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhìn nhận vấn đề an toàn thực phẩm trường học, ngay trong bài phát biểu của mình, Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế) - Thạc sĩ Cao Văn Trung khẳng định, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong các trường học đã được các cơ quan đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp và toàn xã hội rất quan tâm.
Điều này được quy định chi tiết trong một số điều của Luật an toàn thực phẩm hay điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của Bộ Y tế.
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cũng thông tin: Trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1027 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể xảy ra tại trường học chiếm trung bình 3,7% tổng số vụ mỗi năm.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10, ít nhất vào giai đoạn tháng 6-7 (giai đoạn học sinh được nghỉ hè).
|
Đại úy Phạm Thế Anh - Đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường Hà Nội (Bộ Công an) phát biểu tại hội thảo. |
Theo con số thống kê của cơ quan chức năng vấn đề an toàn thực phẩm, Đại úy Phạm Thế Anh - Đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường Hà Nội (Bộ Công an) cho hay: Hàng năm, Hà Nội tiêu thụ trên 200 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó thực phẩm có nguồn gốc bảo đảm 73,08%, số còn lại là nguồn cung cấp thịt từ các địa phương khác 26,92%.
Trong năm 2016, tại Hà Nội đã xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể tại 2 bếp ăn tập thể và 1 nhà hàng ăn uống. Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh: “Hiện nay trên địa bàn thành phố theo điều tra cơ bản khoảng 912 trường mầm non và 714 trường tiểu học, hầu hết các trường thuộc diện này đều có bếp ăn tập thể phục vụ các cháu học sinh. Do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Do hiện nay phần lớn các trường đều chọn đơn vị thứ 3 là các công ty cung cấp xuất ăn cho các em học sinh và giáo viên nhà trường. Điều này tuy giúp nhà trường thuận lợi trong công tác quản lý nhưng lại gây khó khăn cho việc kiểm soát vấn đề ATVSTP nên sẽ rất khó xác định trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc.
Để giải quyết vấn đề này, Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp xuất ăn sẵn. Nhà trường cần thường xuyên cử cán bộ nhà trường giám sát, đôn đốc việc nhập hàng thực phẩm, sơ chế và chế biến tại các bếp ăn của trường.
Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp xuất ăn sẵn và quản lý giáo dục con em mình để tránh xa ngộ độc và xỷ lý khi bị ngộ độc.
Thùy Linh