Ngày 28/6, Ngày Gia đình Việt Nam, một công ty TNHH đã tổ chức chương trình “Về với mẹ” tại Viện Dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (469 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Không gian nhỏ trong khuôn viên của viện dưỡng lão trở nên ấm cúng hơn bởi từ lâu các cụ già ở đây không được “cười thả ga” cùng với nhiều người.
“Có tụi nhỏ nói chuyện, quên cả giờ cơm”
Sáng sớm, hành lang của viện dưỡng lão lấp ló vài ba ghế nhựa. Một vài cụ lụi cụi chống gậy ra ngồi nhìn xa xăm vào khoảng không trước mặt. Hễ thấy ai lạ đi ngang qua các cụ cũng đưa mắt nhìn rồi bắt chuyện.
Vừa thấy tôi, cụ Nguyễn Thị Tốt (80 tuổi) liền kéo tôi ngồi xuống, kể đủ thứ chuyện. Cụ mở đầu câu chuyện bằng ánh mắt buồn. Cụ Tốt là người gốc Bắc, vào viện dưỡng lão đã nhiều năm. Cụ Tốt có chồng và một con gái nhưng cả hai đều bỏ cụ “đi” trước. Tự thấy không thể lo cho mình như hồi còn trẻ, cụ xin vào viện dưỡng lão. Cụ bảo sống ở đây có bạn bè thì cũng vui nhưng không bằng niềm vui có con cháu, có gia đình riêng của mình.
“Tôi thì không may mắn nên giờ cứ lủi thủi một mình. Có cô cháu họ hàng xa vẫn hay tới thăm nhưng cả tháng nay không thấy nó tới. Mọi lần nó có gọi điện thoại mà tôi già rồi, ú ớ sao lại bấm nhầm nút tắt…” - cụ Tốt nói.
|
Các thành viên của nhóm tình nguyện trò chuyện với các cụ già ở viện dưỡng lão. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cách đó vài chiếc ghế, cụ Nguyễn Thị Mai (87 tuổi) ngồi trầm ngâm nhìn ra sân. Vào đây được sáu tháng, cụ Mai không còn bươn chải bán từng tờ vé số để mưu sinh nhưng vẫn thấy trống vắng rất nhiều. Ba mẹ mất sớm, cụ lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người hàng xóm. Không chồng, không con, cụ một mình lầm lũi đi về giữa sương gió cuộc đời để tự nuôi mình cho đến từng này tuổi...
Cụ Mai kể: “Một hôm, có chú chạy xe đạp ngang qua tui. Chú mua giúp hết xấp vé số rồi hỏi chuyện. Bảo tui lên xe chú chở đi. Chú chở tui vào viện dưỡng lão này và nhờ mấy sơ ở đây chăm sóc cho tui. Từ đó tui ở đây luôn”.
Không riêng gì cụ Tốt hay cụ Mai, những cụ bà còn lại ở đây đều thèm lắm cái cảm giác có người đến thăm để nói chuyện. Cứ ngồi xuống với các cụ là những câu chuyện không đầu, không cuối cứ nối dài cho đến khi tiếng chuông báo giờ ăn cơm đến mới thôi...
“Tui đó, cũng có con cháu nhưng giờ thì mỗi đứa một nơi, đến thăm mình cũng khó nên thôi. Ban đầu mới vào thấy nhớ nhiều lắm, thấy lạc lõng nhưng ở lâu rồi cũng thành quen cô à. Có điều tụi tui thèm có người nói chuyện lắm. Ngồi không vậy cả ngày, buồn” - cụ Nguyễn Thị Thạch (92 tuổi) cười móm mém.
|
Nụ cười móm mém. Ảnh: THANH TUYỀN |
“Lâu rồi tui mới được cười vui...”
Để các cụ bà không cảm thấy cô đơn và buồn tủi, nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), các thành viên của công ty đã có một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn khi thực hiện chương trình “Về với mẹ”, dành riêng cho các cụ già ở đây.
Ngồi trên chiếc xe lăn ở sát góc tường, cụ Nguyễn Thị Tư rất hào hứng nhẩm theo bài hát của nhóm bạn trẻ đang hát, cười sảng khoái khi một vài cụ ở đây lên góp vui văn nghệ. Cụ còn giục vài người bạn già cùng phòng lên hát.
“Lâu lắm rồi tui mới được cười vui như vầy nè. Trước nay không có đâu, vì tui buồn nhiều lắm. Buồn giống như bị trầm cảm vậy đó cô...” - cụ Nguyễn Thị Tư (83 tuổi) nói trong niềm vui.
Cụ Bùi Thị Bạch (78 tuổi) ngồi phía sau cùng thì buông lời hát rõ to theo nhịp bài hát của cả nhóm.Vừa vỗ tay theo nhạc, cụ Bạch ghé sát tai người bạn ngồi kế bên: “Lâu rồi mới vui vầy bà ha. Tự nhiên hôm nay có người đến thăm rồi chơi với tụi mình vậy đỡ ra. Chứ cứ như mọi ngày, đi ra đi vô vầy buồn lắm”.
Ngoài giao lưu, trò chuyện và ca hát cùng các cụ, nhóm cũng đã trao tặng quà cho các cụ bà; tổ chức nấu ăn trưa; tặng gậy, khung tập đi cho viện dưỡng lão...
Khi một bạn nam hát bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến để tặng các cụ, nhiều cụ bỗng chùng xuống, mắt đỏ hoe rồi quay đi...
Theo Thanh Tuyền/Pháp Luật TPHCM