Khi bị ốm, nhiều người cho rằng cần phải bổ sung dưỡng chất, tăng cường ăn uống để cơ thể được hồi phục nhanh. Thực tế, cơ thể con người là cỗ máy rất kỳ diệu, và khi bị ốm, người bệnh không muốn ăn bởi thời điểm đó cơ thể cần yên tĩnh và tiết kiệm năng lượng cho sự tự chữa lành và giúp giải độc, đó là chức năng tự có kỳ diệu của cơ thể con người.
|
Khi mệt mỏi, người bệnh cũng không vận động được như bình thường nên nhu cầu về ăn uống giảm đi. |
Không nên cố ăn khi ốm: Dù ăn là một trong “tứ khoái”, nhưng khi ốm, với những người có sức ăn tốt nhất thì việc ăn uống cũng trở thành cực hình. Bởi lúc đó, toàn cơ thể họ mệt mỏi, dẫn tới tình trạng hệ tiêu hóa kém hoạt động làm mất cảm giác thèm ăn. Khi mệt mỏi, người bệnh cũng không vận động được như bình thường nên nhu cầu về ăn uống giảm đi cũng là điều tất yếu.
Hơn nữa, khi ốm miệng lưỡi đắng khiến cho người bệnh không thấy vị ngon của thức ăn nên càng cảm thấy chán ăn. Và khi bị ép ăn, tinh thần của họ càng ức chế nên dễ nổi cáu hoặc sợ hãi, ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị. Việc bị ép nuốt thức ăn quá khi cơ thể không muốn cũng có thể là nguyên nhân tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tới các triệu chứng trướng bụng, tiêu chảy...
Dù vậy, dinh dưỡng vẫn luôn góp phần quan trọng vào quá trình khỏi và phục hồi của người bệnh. Vì vậy, khi chăm sóc người bệnh, bạn cần chú ý:
Chia nhiều bữa nhỏ: Để tránh tình trạng nôn, không nên ép người ốm ăn quá nhiều mà nên ăn từng bữa nhỏ. Thông thường, họ cần 3 bữa chính thì nay có thể chia thành 5-6 bữa nhỏ với lượng vừa phải.
Chú trọng món ăn mềm, lỏng: Vì lúc này, người ốm mất cảm giác ngon miệng và khó tiêu nên cần nấu thức ăn dưới dạng mềm nhuyễn, thức ăn dễ tiêu hóa. Hãy cho họ ăn ở mức vừa phải và không ép ăn thêm để người bệnh có cảm giác việc ăn không phải là một áp lực cần phải thực hiện. Soup, bún, phở, đồ ăn loãng dễ nuốt được nấu cùng với thịt gà, thịt heo, thịt bò sẽ góp phần giúp bạn bổ sung được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, xoa dịu cơn khó chịu.
Với những người mắc bệnh thông thường, như: cảm sốt, mệt mỏi do lao động nhiều, ho… thường có hiện tượng “ăn lại bữa” sau ốm nhằm bù lại năng lượng đã mất nên thời gian đang bị bệnh, không cần thiết phải ăn đủ như bình thường.
Không kiêng ăn: Một số người Việt vẫn có quan niệm kiêng một số thức ăn khi ốm, nhưng điều đó thực sự không cần thiết. Đồng thời, những món họ thích trước đây, có thể lúc này họ không thích. Bởi thế, khi nấu cho người ốm, bạn nên hỏi họ muốn ăn gì. Đừng nên quá kiêng cữ trong khẩu phần ăn thời gian đang bị bệnh này, bạn sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Uống nhiều nước khi sốt: Khi cơ thể bị mất nước, các virút vi khuẩn thường phát triển mạnh mẽ hơn. Khi sốt, bạn nên uống nhiều nước lọc hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất đi.
Việc bù đủ nước khi sốt sẽ giúp bạn không bị kiệt sức, các độc tố trong cơ thể cũng sẽ được loại bỏ nhanh và dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên thay nước lọc bằng nước đun sôi để nguội pha với hydrit hoặc oresol để bù điện giải.
Nước hoa quả, sinh tố tươi là loại vitamin cần thiết: Các loại trái như cam, chanh, dâu tây, xoài, chuối… là lựa chọn ưu tiên trong thời gian bạn bị sốt. Vitamin có trong cam, chanh…. giúp người bệnh tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.
Hãy chịu khó ăn trái cây vì nó vừa cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, vừa giúp giảm sốt, bù đắp lại các chất điện giải đã bị mất. Nếu không muốn ăn, bạn có thể xay sinh tố hoặc ép thành nước hoa quả để dễ uống hơn.
Ăn nhiều rau xanh: Những thực phẩm quen thuộc như cà chua, rau mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền… chế biến dưới dạng luộc, nấu canh đều có lợi ích hạ nhiệt nhất định khi bạn đang bị sốt.
Thời gian ốm, bệnh, bạn không nên uống nhiều nước đá, nước lạnh: Khi bị sốt, nếu bạn uống quá nhiều nước lạnh nhiệt độ của cơ thể sẽ không giảm mà còn sốt cao hơn.
Đặc biệt trong trường hợp bị sốt do bệnh truyền nhiễm chức năng của đường tiêu hóa bị giảm sút thì việc uống nước quá lạnh cũng sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.
Không uống trà: Chất ta-nanh trong trà sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên. Uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh.
Mặt khác, nếu bệnh nhân đang sốt mà uống trà sẽ làm giảm tác dụng hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt.
Các gia vị cay cũng không nên ăn trong giai đoạn này bởi chúng sẽ sinh nhiều nhiệt trong trong cơ thể, chính vì thế, đây cũng là lý do mà những người đang bị sốt nên hạn chế các thực phẩm cay nóng.
Hồng Loan