Những thói quen sai lầm khi trời lạnh gây đột quỵ

Google News

Chuyên gia y tế khuyến cáo, cần từ bỏ ngay những thói quen gây hại cho sức khỏe trong những ngày giá lạnh để đảm bảo sức khỏe.

Bệnh lý hô hấp, tim mạch dễ trở nặng
Trước đợt lạnh sâu kéo dài trong thời điểm cận Tết, Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế cảnh báo về một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh, hoặc có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Theo chia sẻ của BS Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi thời tiết lạnh sâu như hiện nay, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng đột biến. Trong đó nhiều ca nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải thở máy. Nguyên nhân do thời tiết ảnh hưởng trực tiếp tới người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là với những người vốn các bệnh nền mạn tính.
Còn theo BS Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khi thời tiết trở lạnh, sự mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, khiến cơ thể không thể thích nghi kịp. Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu, dễ hình thành cục máu đông gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu. Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, dẫn đến xuất huyết não. Chính vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân tai biến trong mùa lạnh thường tăng cao.
Nhung thoi quen sai lam khi troi lanh gay dot quy
Đông bệnh nhân nhập viện trong ngày giá lạnh tại BV Bạch Mai.
Những thói quen sai lầm trong ngày lạnh
BS Mạnh cho biết tập thể dục đều đặn là thói quen rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên việc việc tập thể dục ngoài trời, lúc sáng sớm lại rất nguy hiểm, tăng nguy cơ đột tử. Vì vậy, khi thời tiết lạnh sâu, mọi người không nên tập thể dục ngoài trời, đặc biệt là vào buổi sáng. Những người có bệnh lý nền lại càng phải thận trọng. Mọi người nên thể dục trong nhà với các bài tập nhẹ nhàng, hoặc tập tại phòng tập nhưng phải đảm bảo kín gió.
Nhiều người dịp cuối năm cũng hay có quan điểm dùng chút chất cồn cho ấm người, nhất là khi liên hoan, tổng kết. Tuy nhiên theo BS Mạnh, thời tiết lạnh khiến khả năng bài tiết cồn qua đường mồ hôi giảm. Do đó, khi uống nhiều rượu bia trong những ngày này, chất cồn sẽ lưu lại trong máu lâu hơn, có thể dẫn tới tăng huyết áp và tăng nguy cơ gặp các tai biến. Do vậy, mọi người không nên uống hoặc hạn chế rượu bia, nếu uống cần bổ sung tinh bột, đặc biệt cần uống thêm nước để làm giảm lượng cồn trong máu.
Một thói quen rất có hại mà nhiều người cũng hay mắc phải trong ngày giá rét là "ngại uống nước". Việc uống quá ít nước sẽ gây khô da, hại thận và các vấn đề về tiêu hóa. Đáng ngại nhất là sẽ gây nên tình trạng máu cô đặc. "Với người có suy van tĩnh mạch, ít vận động làm máu lưu thông kém, dễ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới. Khi các cục máu đông này lan về tim có thể gây nhồi máu động mạch phổi và gây biến chứng hoặc có thể tử vong. Do vậy, mọi người cần duy trì việc uống nước đầy đủ", BS Mạnh chia sẻ.
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh trong thời tiết giá lạnh kéo dài như hiện nay, người già và trẻ em nên hạn chế đi ra ngoài trời đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h - 6h hôm sau. Khi ra ngoài, cần mặc đủ ấm, tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, tránh đồ uống có chứa chất kích thích, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.
Cần lưu ý, không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
Mọi người cần ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Vũ Vũ / Báo Giao Thông