Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vẫn đang khiến nhiều người vô cùng đau xót khi số nạn nhân thương vong quá lớn. Thiệt hại về người và của, cũng như nguyên nhân vụ cháy đến nay vẫn đang tiếp tục được làm rõ.
Trước nay, nhiều vụ cháy phần lớn nguyên nhân xảy ra vì chập điện. Để đảm bảo an toàn, nhà thông thường hay chung cư, chung cư mini… hệ thống điện cần được lắp đặt phải có thiết kế phù hợp công suất cho từng tầng, từng khu vực, từng cụm thiết bị riêng biệt. Tập đoàn điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân khi không dùng cần tắt điện, không để các thiết bị điện nạp qua đêm. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện, nếu thiết bị điện nào thấy không bình thường thì phải kiểm tra, sửa chữa thay thế ngay.
Những vật nhỏ trong nhà dễ gây cháy nổ
Ngoài chập cháy điện, thực tế nhiều vụ cháy nổ gây chết người xảy ra cũng vì bất cẩn của con người với những "quả bom nổ chậm" trong nhà. Những vật nhỏ này tiềm ẩn rủi ro cháy mà nhiều người lại thường chủ quan:
Nến cốc thắp sáng
Nến cốc thắp sáng hoặc thờ cúng trong nhà rất dễ bị vỡ do nhiệt, nến tràn ra gây cháy. Nếu dùng nến thì chỉ dùng nến cây (cắm trong bát), nến dạng rắn, khi đốt nến hay cúng bái phải có người trông.
Chân hương quá nhiều
Có nhiều người có thói quen để điện thờ, đèn dầu, nến thờ cúng qua đêm. Thậm chí, trên bàn thờ để nhiều vàng mã, chân hương quá nhiều với bát hương đồ sộ mà không tỉa đi vì tin "có lộc"… Thế nhưng, nhiều trường hợp cháy nổ vì tàn vàng mã, chân hương quá nhiều. Nếu nhiều chân hương khi cắm hương mà phần thuốc hương của que hương đang cháy tiếp xúc với chân hương cũ, khi cháy đến vị trí tiếp xúc sẽ bén cháy vào chân hương cũ gây cháy.
Pin sạc
Điện thoại di động đã trở thành vật bất li thân với nhiều người. Có không ít người có thói quen vừa dùng điện thoại vừa sạc, hay sạc điện qua đêm. Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – Nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, sạc sau một thời gian dùng quá tải hoặc không đạt chuẩn sẽ phồng lên. Theo thời gian pin sẽ nóng lên nhanh chóng gây cháy nổ nếu vượt quá giới hạn. Chất lithium trong pin tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ dễ gây cháy nổ.
Bật lửa
Vật nhỏ này mọi người thường chủ quan vứt lung tung trong nhà mà không lường trước được nguy hiểm. Thực tế, trong bật lửa luôn chứa một lượng gas nhất định, khi bị rò rỉ và gặp môi trường có nhiệt độ đủ cao hay tia lửa điện có thể phát nổ.
Lò vi sóng
Lò vi sóng bản thân khó gây cháy nổ nhưng nếu không biết sử dụng, dùng sai cách thì khả năng làm lò phát nổ cũng không phải thấp. Một trong những cách dùng lò vi sóng sai lầm nhất là cho đồ đựng thực phẩm bằng bằng kim loại hay loại có hoa văn vào lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Điều này vô tình tạo các tia lửa điện bên trong lò, gây ra cháy nổ.
Hệ thống bếp ga, bình gas
Bếp gas và các phụ kiện gas như van điều áp, ống dẫn, gioăng khớp nối… phải dùng đồ chính hãng và thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, thay thế khi thấy không an toàn. Nhớ tắt hết bếp và khóa van cổ bình gas mỗi khi đun xong. Nếu chẳng may bị dò khí gas ra không gian nhà và bếp, tuyệt đối không bật, tắt các thiết bị điện, không bật lửa, không mang đèn, nến vào…. Có thể dùng đèn pin, nhẹ nhàng vào khóa cổ bình ga trước rồi mở hết các cửa ra, hô mọi người ra khỏi nhà. Khi nào hết mùi gas, bạn mới vào kiểm tra sửa chữa hệ thống gas, bếp.
Ngoài ra, cần chú ý mua gas ở đại lý có pháp nhân tin cậy và thái độ nhân viên đưa gas có uy tín. Đã có trường hợp cháy nổ khí gas gây chết người do nhân viên đưa gas vì muốn kiếm lời phi pháp cố tình chọc thủng ống dẫn gas, van điều áp đang còn tốt thì báo hỏng để thay thế đồ dởm vào hoặc thiếu trách nhiệm khi phát hiện gioăng, kẹp ống bị hỏng không tư vấn thay thế, lắp ẩu không kiểm tra độ kín… gây ra.
Theo Phương Thuận/Giadinh.net