Khi người phụ nữ trong gia đình phải tham gia lao động bên ngoài xã hội, họ không thể cùng lúc gánh vác cả công việc nội trợ thì thuê ô sin là giải pháp bắc buộc họ phải nghĩ đến. Đối tượng làm công việc này tất nhiên là phụ nữ nằm trong độ tuổi lao động. Thường họ là những người nhà quê, ít học, không có trình độ chuyên môn và… nghèo. Vậy tại sao họ lại là cái đích nhắm vào của các ông chủ, không loại trừ đó là những người đàn ông thành đạt, có địa vị xã hội?
Ngoài chuyện hám của lạ, chuyện mỡ dâng sẵn miệng mèo khiến các ông chồng “cầm lòng không đậu” thì chuyện nảy sinh tình cảm thật với ô sin không phải là hiếm và cũng rất dễ hiểu.
|
Ảnh minh họa. |
Chị Liên sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền Tây. Không còn cách nào khác, chị chọn osin làm nghề, duyên phận thế nào, nó trở thành cái nghiệp đeo đẳng chị từ năm mười sáu tuổi. Qua mấy lần đổi chủ, đến năm ba mươi tuổi chị vào làm cho gia đình cô Thúy. Cô Thúy kém chị Liên một tuổi, là trưởng phòng kinh doanh của một công ty sản xuất thiết bị y tế. Chồng Thúy tên Lai hơn hẳn vợ một con giáp là giáo viên dạy văn của một trường cấp ba. Vợ chồng Thúy có hai cô con gái đang học phổ thông.
Hơn mười năm đi giúp việc nhà, cộng với tâm tính hiền lành, siêng năng, tử tế, chẳng mấy chốc mà chị lấy được lòng tin của Thúy. Thế là Thúy yên tâm dốc sức cho các dự án của công ty. Cũng từ ngày có Liên, anh Lai ở trường về không phải tất bật lo cơm nước, lau nhà rửa bát phụ vợ. Anh rảnh rang văn chương thơ phú.
Hai cô con gái nhỏ thì suốt ngày quấn lấy cô Liên. Liên quanh năm suốt tháng xa nhà lại không chồng, không con nên chị rất quý trẻ nhỏ. Lúc hai đứa trẻ không phải học bài chị thường rủ chúng vào bếp, vừa chỉ cho chúng cách làm các món ăn vừa kể chuyện cho chúng nghe.
Câu chuyện về cuộc đời của chị, về những ngày thơ ấu trải qua trong nghèo khó ở dải đất cù lao mấp mé nước sông Tiền. Ở đó, có những ngày gió chướng, bông so đũa nở trắng, cá lòng tong lũ lượt kéo về từng bầy, có những đêm mưa, ếch ngoài đồng mở hội “cưới nhau”, có những ngày nắng đi ngoéo cua đồng trong hang quanh chân ruộng.
Những câu chuyện mỗi ngày cứ dài ra, hai đứa trẻ bao giờ cũng ngồi nghe một cách say sưa, thấy cái gì cũng lạ, cũng hay, cũng gợi trong chúng sự tò mò muốn khám phá. Không biết từ lúc nào, hai đứa trẻ từ bỏ luôn thói quen chơi game, thích quanh quẩn bên cô Liên nghe kể chuyện và phụ việc bếp núc. Chuyện này làm Lai rất ngạc nhiên và khâm phục Liên. Nhìn ba cô cháu những lúc ấy không khác gì ba mẹ con. Có lúc ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu Lai.
Nhà cửa càng tươm tất, con cái càng ngoan ngoãn, Thúy càng yên tâm, càng lao vào công việc, càng say, thế là giao cả việc chăm sóc chồng cho ô sin. Mỗi ngày đi dạy về, người Lai gặp duy nhất là Liên. Hôm nào, Lai có việc về khuya cũng là Liên ra mở cổng. Cái áo Lai mặc đi dạy cũng là Liên giặt ủi phẳng phiu, bữa nào Lai thèm ăn món gì cũng là Liên nấu cho. Có hôm Lai sổ mũi, nhức đầu cũng là Liên chạy đi mua viên thuốc, nấu nồi xông. Thậm chí, ngày giỗ chạp bên nội, Thúy bận đi công tác, hai đứa trẻ nhất định đòi Liên theo, thế là bốn người họ giống như một gia đình về quê ăn giỗ. Sự tận tụy của Liên chẳng qua để làm tròn bổn phận mà lĩnh lương của chủ. Chị không ngờ nó khiến trái tim người đàn ông rung động.
Có lần Thúy được nghĩ hai ngày phép, Liên xin phép về quê thăm nhà. Tới bữa cơm, hai cô con gái chê ỏng chê eo, mẹ nấu không giống cô Liên, không ngon gì hết. Tất nhiên là Lai không dám có ý kiến nhưng anh thầm tự hỏi thế nào là một gia đình hoàn hảo? Sang ngày thứ hai, anh bắt đầu thấy nhớ Liên.
Chồng ngoại tình với ô sin, những cuộc tình so le nhưng lại rất dễ dàng nảy sinh, trong đó có phần sơ xuất rất lớn của người vợ.
Theo Bảo Nghi/thegioitiepthi.vn