Bị bệnh nhân mắng... hộ lý vẫn cười
Ngày sinh nhật, mọi người nhận được những lời chúc tốt đẹp từ người thân, bạn bè nhưng nữ hộ lý Kim Thoa làm việc tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) lại bị bệnh nhân nhiễm HIV sửng cồ, chửi mắng.
Tủi thân, ấm ức nhưng chị vẫn nhẹ nhàng nói chuyện với bệnh nhân bởi chị hiểu người nhiễm HIV/AIDS thường đau đớn về thể xác, tâm trạng u uất, bức xúc với gia đình, xã hội vì bị bỏ rơi nên dễ nổi cáu.
Đối với bệnh nhân HIV không có người thân, công việc của những hộ lý vô cùng vất vả vì chăm sóc từ tắm rửa đến bữa cơm, giấc ngủ và trong hàng trăm mảnh đời "vô thừa nhận" ở Bệnh viện 09, đến giờ chị Thoa vẫn bị ám cảnh về số phận của cô gái được chị đặt tên Trà My.
Những năm gần đây số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện 09 còn rất ít. (Ảnh: Hoàng Hải).
Lúc nhập viện, cơ thể Trà My lở loét, bốc mùi nhưng chị Thoa và các hộ lý trong bệnh viện chẳng nề hà khi tắm rửa sạch sẽ cho bệnh nhân, bón từng bữa cơm, xin hộ từng điếu thuốc lá những lúc My thèm. Do bị AIDS ở giai đoạn cuối nên một thời gian sau cô gái xấu số mất trong đau đớn, cô đơn.
"Khi bạn ấy mất, lúc khâm liệm tôi cực kỳ ám ảnh bởi mùi hôi, cơ thể thối rữa. Để bớt mùi hôi, tôi phải đổ cả lọ dầu phật linh vào khẩu trang mà không hết. Các hộ lý phải thay phiên nhau vào làm vì không chịu nổi.
Tôi vẫn nhớ My mất lúc 9h sáng, bữa sáng hôm đó tôi ăn được bao nhiêu thì khi lau, rửa cho cô ấy tôi nôn ra bấy nhiêu", gần 10 năm trôi qua nữ hộ lý vẫn bị ám ảnh khi nhắc lại câu chuyện.
Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV sau khi mổ ruột thừa được chuyển đến Bệnh viện 09 điều trị nhưng do ho nhiều khiến chỉ mới khâu bị bục, lòi ruột ra ngoài. Lúc này, chị Thoa vơ vội chiếc bát úp vào rồi cuốn băng để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khác khâu lại.
Khu vực trung tâm bệnh viện khá sạch sẽ. (Ảnh: Hoàng Hải).
Chị luôn tâm niệm khi đã lựa chọn công việc phải yêu nghề, có trách nhiệm và làm tốt nhất có thể, thậm chí yêu bệnh nhân như chính người nhà.
"Khi bệnh nhân mất, chúng tôi phải lưu ý việc lau rửa cơ thể, mặt mũi sạch sẽ, làm tươm tất như người bình thường bởi nghĩa tử là nghĩa tận và mọi việc xuất phát từ cái tâm", chị tâm sự.
Đối với quần, áo của bệnh nhân sau khi thu gom chị Thoa và đồng nghiệp tiến hành ngâm khử khuẩn rồi đưa vào máy giặt sử dụng nước nóng và sấy nóng diệt khuẩn. Còn quần, áo dính máu nhiều thì cho vào thùng rác y tế để tiêu hủy theo đúng quy trình.
Đặc biệt phòng bệnh, nhà vệ sinh được lau dọn, khử khuẩn hàng ngày để đảm bảo an toàn cho y, bác sỹ cũng như người nhà bệnh nhân.
Bệnh nhân HIV dùng bơm kim tiêm dọa đâm bảo vệ
Ngoài khó khăn, vất vả của đội ngũ y tế thì nguy hiểm lại luôn rình rập những bảo vệ làm việc tại Bệnh viện 09.
Buổi tối những ngày cuối năm 2013, nam bệnh nhân sinh năm 1971 bị nấm não không kiểm soát được hành vi đã cầm dao gọt hoa quả chém bệnh nhân trong phòng khiến mọi người bỏ chạy tán loạn. Ngay lập tức bảo vệ Lê Văn Quế có mặt để giải quyết mọi việc.
Bảo vệ Lê Văn Quế cho biết đã nhiều lần bị đối tượng nghiện ma túy dùng bơm kim tiêm có dính máu đe dọa.
"Khi tôi vào đến phòng thì bệnh nhân bảo "cháu không làm gì cả" nhưng tay vẫn cầm dao. Lúc này, tôi nói chuyện để bệnh nhân phân tán tư tưởng rồi lao vào vồ dao nhưng nó vẫn vút con dao đi rất nhanh. Tôi né nhưng vẫn bị đâm trúng người", anh Quế nhớ lại thời điểm bị bệnh nhân HIV đâm trúng.
Đội ngũ bảo vệ ở 09 là những người gắn bó với nhau lâu năm nên phối hợp ăn ý, khéo léo xử lý mọi tình huống bởi nhiều bệnh nhân đến đây là dân "số má" hoặc nghiện hút nên rất ngông cuồng.
Từng có nhiều người trẻ chuyển mục tiêu tới bệnh viện này làm việc nhưng chỉ được mấy ngày lại xin nghỉ.
Cách đây 10 năm, việc bảo vệ bị bệnh nhân nghiện ma túy cầm kim tiêm dính máu đe dọa, chửi bới diễn ra như "cơm bữa" nhưng những năm trở lại đây tình trạng này đã chấm dứt.
Cán bộ y, bác sỹ cũng như bệnh nhân điều trị ngoại trú ra, vào viện bảo vệ Vũ Ngọc Tin đều nhớ mặt từng người.
Anh Quế khẳng định, khi cánh cổng bệnh viện khép lại vào buổi tối thì chỉ mở cho 3 trường hợp ra, vào là xe cấp cứu, bác sỹ đến trực, công an tới kiểm tra còn các đối tượng nghiện nhiều lần năn nỉ thậm chí "đút lót" để được mở cổng nhưng các bảo vệ không đồng ý.
"Mấy năm trước tụ tập về đây toàn các đối tượng nghiện ngập để uống thuốc Methadone, những năm đấy gác vô cùng vất vả, thức thâu ngày, thâu đêm chỉ sơ suất là mất trộm ngay.
Khoảng 3 năm trở lại đây bệnh viện trong sạch, ngồi trực mới có cảm giác an toàn", người bảo vệ già Vũ Ngọc Tin (58 tuổi) kể.
Hiện gần 180 cán bộ, nhân viên của bệnh viện chỉ cần đi qua cổng ông Tin có thể nhớ mặt, đọc tên từng người còn hơn 400 bệnh nhân cũ ngoại trú ông cũng nắm rõ trong lòng bàn tay nên khi có người lạ xuất hiện ông và các đồng nghiệp nhanh chóng phát hiện, đưa vào tầm ngắm nếu có điều khả nghi.
Theo Nguyễn Hải/Dân trí