- Sau hơn 7 tiếng, hai kíp kỹ thuật vi phẫu Khoa phẫu thuật tạo hình BV Việt Đức (Hà Nội) đã nối thành công tai đứt rời cho bệnh nhân Hà Đức C. 26 tuổi ở Bắc Giang, bị đồng nghiệp xẻo tai. Đây là lần đầu tiên BV Việt Đức nối liền tai đứt rời.
Ngày 17/2, bệnh nhân C. cho biết, do mâu thuẫn đồng nghiệp đêm 8/2, C. bị ba người chở ra chỗ vắng và xẻo tai. May mắn C. đã chạy được vào nhà dân kêu cứu và được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ BV Bắc Giang đã đề nghị tìm lại tai nên người dân quay lại tìm lại tai cho C. Nạn nhân được xử lý cầm máu và chuyển tới bệnh viện Việt Đức.
TS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật Tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, C. nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, căng thẳng, tai phải bị đứt lìa hoàn toàn, có nhiều vết thương trên mặt, tay, mất máu nhẹ.
Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, xét nghiệm nhanh chóng, loại trừ các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng, tổ chức hội chẩn và quyết định triển khai một ca mổ cấp cứu vi phẫu tối khẩn cấp: Nối tai đứt rời. Đây là một phẫu thuật rất khó vì cấu trúc giải phẫu da và sụn tai mỏng, các mạch máu tới đây đã là nhánh tận cùng nên rất nhỏ, kích thước chỉ khoảng 0,4 – 0,5 mm ( tức là chỉ tương đương gần bằng 1/2 que tăm). Để đảm bảo mạch máu thông suốt các phẫu thuật viên cần khâu được ít nhất 4-5 mũi khâu đều đặn ở trên các mạch máu nhỏ li ti này.
|
Các bác sĩ đang thực hiện nối tai cho bệnh nhân C. |
Hai kíp mổ đặc biệt tiến hành song song: một kíp dùng kính hiển vi phẫu thuật, soi tìm mạch máu nào có thể nối được ở phần tai bị đứt; kíp thứ hai phẫu tích và tìm mạch máu tại vùng gốc tai và thái dương bệnh nhân quanh chỗ tai, rồi đưa tai đứt rời ghép nối với cơ thể. Sau lần khâu nối đầu tiên mạch máu không thông, các bác sĩ phải cắt ra nối lại lần thứ hai và mạch máu đã lưu thông tốt. Trong suốt quá trình hơn 7 giờ phẫu thuật, bệnh nhân luôn được các bác sĩ gây mê hồi sức dùng thuốc chống đông máu, đồng thời truyền máu để bù số máu chảy ra ở vùng tai.
Điều lo ngại nhất của các bác sĩ sau mổ là phần mạch máu vừa nối xong bị tắc trở lại vì lòng mạch ở đây quá hẹp. Theo thông kê, trên thế giới đến nay mới có gần 30 ca nối tai được thông báo, tuy nhiên trong đó có tới 70-80% bị tắc tĩnh mạch hoặc ứ máu sau mổ. Tại các trung tâm y tế lớn trên thế giới như ở Mỹ, Pháp nhiều khi người ta buộc phải sử dụng đỉa hút máu ứ hoặc chích tai để máu ứa ra trong nhiều ngày. Có trường hợp lượng máu mất và phải bù lại lên đến 4-5 lít.
Tuy nhiên, với trường hợp này, sau mổ 1-2 ngày đầu, tai bệnh nhân hơi đỏ, tím, nhưng chưa phải chích máu. Hiện nay, sau một tuần phẫu thuật, tai chỉ đỏ hơn bình thường một chút, các mạch máu nuôi tốt, có sự lưu thông máu lên và xuống. Hiện sức khỏe người bệnh hồi phục tốt. Dự kiến, trong vòng 4-5 ngày nữa nếu tình hình ổn bệnh nhân có thể xuất viện.
TS Nguyễn Hồng Hà cho biết, mất tai sẽ ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân. Trong khi đó, do tai có cấu tạo giải phẫu và thẩm mỹ đặc biệt, không bộ phận nào có thể thay thế được. TS Hà cho biết, tại BV Việt Đức thường xuyên phẫu thuật tạo hình tai cho các bệnh nhân khuyết tai bẩm sinh hoặc do chấn thương bằng sụn sườn tự thân nhưng các bác sỹ cũng không thể tạo được các gờ, vành với đường nét, thành đẹp như tai bình thường.
Nhật Hà