Bạn cần
trấn an trẻ rằng các quan chức y tế và toàn xã hội đang làm việc rất tích cực để mọi người đều khỏe mạnh. Bạn nên
dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa tích cực,
nói chuyện với trẻ về nỗi sợ hãi và cho trẻ cảm giác chính trẻ sẽ là người kiểm soát được nguy cơ nhiễm bệnh.
|
Ảnh minh họa |
Hỏi xem trẻ đã nghe, đã biết những gì
Điều này giúp bạn hiểu trẻ đang nghĩ gì, có sợ hãi hay lo lắng thái quá không và nhân đó cải chính những tin đồn không đúng sự thật. Ví dụ bạn có thể nói: “Không, không phải ai cũng bị nhiễm vi-rút và ai nhiễm bệnh cũng chết. Thực tế hầu hết mọi người đều bị cúm nhẹ và hồi phục nhanh chóng”.
Hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe và thừa nhận những lo lắng của con là có lý rồi nhẹ nhàng giải thích, làm giảm mối lo ấy, chứ không gạt phắt hay mắng mỏ con. Hãy luôn nói mọi thứ kèm câu: “Ba/mẹ yêu con”.
Hãy thật kiên nhẫn và nhẹ nhàng, vì trẻ ở độ tuổi teen và tiền teen không phải lúc nào cũng dễ chia sẻ suy nghĩ của chúng. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện khi trẻ xem bạn nấu món ăn hoặc làm việc nhà. Có thể hỏi một vài câu, rồi để trẻ chơi, sau đó lúc tiện lại hỏi thêm.
Trấn an và cung cấp thông tin phù hợp
- Trẻ mẫu giáo cần thông tin ngắn gọn, đơn giản đi kèm sự trấn an “nhà của chúng ta luôn an toàn, cha mẹ ông bà sẽ giúp con khỏe mạnh, sẽ chăm sóc con khi con bị bệnh, giống như các lần cảm cúm xưa nay”.
- Trẻ tiểu học và trung học cơ sở sẽ có nhiều thắc mắc hơn về việc chúng có thực sự an toàn không và điều gì sẽ xảy ra nếu COVID-19 lan đến khu vực chúng ở.
- Học sinh trung học phổ thông có thể thảo luận về vấn đề này một cách sâu hơn, bạn nên cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tình trạng hiện tại của COVID-19.
Nếu chính bạn cũng không biết trả lời sao cho một câu hỏi cụ thể của trẻ, hãy nói: "Câu hỏi này hay quá. Ba/mẹ chưa biết chắc câu trả lời nên hãy để ba mẹ tìm hiểu cho con". Sau đó, bạn tham khảo một nguồn tin đáng tin cậy của ngành y tế để có câu trả lời hợp lý. Mỗi đứa trẻ một khả năng tiếp nhận, một tính cách, vậy nên chính bạn sẽ biết nên cân nhắc nói thế nào cho trẻ không hoang mang.
Tắt ti vi và thiết bị mạng
Tin tức thường gieo nỗi lo lắng quá mức. Trẻ dưới 10 tuổi không cần phải xem tin tức thời sự dịch bệnh trên ti vi.
Trẻ lớn hơn chỉ nên cập nhật thông tin khi có mặt bạn, không cho trẻ tự ý đọc, nghe, nhìn trên mạng xã hội. Nói với con bạn về việc có nhiều câu chuyện trên internet là tin đồn và thêu dệt. Nói với con rằng: ngay cả thông tin trên báo đài chính thống cũng được sản xuất cho người lớn, nên có thể gây lo lắng quá mức hoặc gây nhầm lẫn cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, việc bạn liên tục cập nhật về tình hình COVID-19 trước mặt con có thể làm tăng sự lo lắng của bạn và trẻ, cần tránh điều này.
Dạy trẻ về vệ sinh
Cho trẻ biết các bước phòng ngừa COVID-19. Dạy trẻ về thói quen rửa tay và cố gắng không chạm tay vào mặt. Hãy đồng cảm với trẻ rằng thói quen ấy có thể khó thiết lập nhưng cả nhà sẽ cùng cố gắng.
Hướng trẻ tự tìm giải pháp
Các nghiên cứu cho thấy, khi chúng ta sợ hãi hoặc buồn bã với các tin tức xấu, thực hiện một số hành động tích cực sẽ làm cho mọi thứ tốt hơn. Bạn có thể gợi ý trẻ quyên góp từ thiện, tặng đồ chơi cho một bệnh viện nhi địa phương hoặc trao cho trẻ sự chủ động tìm ra các giải pháp tích cực.
Nếu trẻ có vẻ căng thẳng, hãy chọc cười hoặc bày trò vui vẻ cho chúng. Nói chung trong mùa dịch, bạn cần nhiều thời gian cho trẻ hơn bình thường.
Học và chơi cùng nhau
Khi các trường học đóng cửa vì dịch, nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, một số hoạt động dịch vụ ngưng trệ... Nhiều bà mẹ nói họ có nhiều thời gian cho gia đình hơn như cùng con nấu ăn, vẽ, chơi đàn, thiết kế đồ chơi hoặc các dự án gia đình khác.
Theo Kim Ngân/Phunuonline