|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn do pháo hoa.
|
Ngày 10/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, sau giao thừa có 5 trường hợp nhập viện do pháo nổ và đều bị vết thương bỏng giác mạc mức độ nặng, buộc phải chuyển viện lên tuyến trên.
Khoảng 23h ngày 9/2 (tức 30 Tết), chị Nguyễn Hồng Ngân (18 tuổi, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, Gia Lai) đi xe máy đến Quảng trường Đại Đoàn Kết ngắm pháo hoa.
Tuy nhiên, khi đến đường Nguyễn Viết Xuân đã gặp một đám đông đang đốt pháo. Không kịp dừng lại, một quả pháo đã bay thẳng vào mắt chị Ngân. Một bên mắt bị chảy máu, những người xung quanh đã bỏ đi, chị Ngân gọi điện thoại cho mẹ để đưa đi bệnh viện.
Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, các bác sĩ xác định Ngân bị bỏng giác mạc nặng một bên mắt. Để kịp thời chữa trị cần được chuyển tuyến vào các bệnh viện chuyên khoa tại TPHCM để khẩn trương phẫu thuật.
Người nhà nạn nhân cho biết, chị Ngân có nguy cơ mù vĩnh viễn do vết thương rất nặng, nếu phẫu thuật thành công thị lực cũng bị suy giảm.
Sáng 10/2 (tức mùng 1 Tết), ông Đ.V.K. (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, Gia Lai) phải cùng con trai đang học lớp 10 trên xe cấp cứu vào TPHCM để phẫu thuật 2 mắt do pháo nổ. Ông K. kể, tối 9/2, con trai ông đốt pháo ở nhà, không may có quả pháo bất ngờ nổ trúng vào vùng mặt. Con trai ông K. bị bỏng giác mạc nặng buộc phải vào TPHCM để điều trị.
“Con trai tôi hiện có nguy cơ bị mù. Hiện con tôi điều trị không biết bao giờ hồi phục nên chắc chắn việc học cũng bị dang dở rồi”, ông K. buồn bã chia sẻ.
Bác sĩ Dương Thái Thuấn - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cảnh báo, tai nạn do pháo nổ rất phổ biến vào dịp Tết, nhất là đêm giao thừa. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về tác hại của pháo nổ. Hầu hết các trường hợp gặp nạn do pháo đều ảnh hưởng tại vùng trọng yếu ở mặt, trong đó quan trọng nhất là mắt. Không chỉ gây tổn thương tạm thời mà dù có chữa trị cũng sẽ để lại hậu quả vĩnh viễn về thị lực cho bệnh nhân.
Theo Tiền Lê/Tiền Phong