Ngày 5/12, Công an tỉnh Thái Bình đã có thông tin chính thức về việc thông báo kết quả xác minh giải quyết vụ nữ trung tá bị tài xế tố “quỵt tiền”.
Cụ thể, vào ngày 12/11, Công an tỉnh Thái Bình nhận được đơn đề nghị của anh Bùi Đức Hân, trú tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đề nghị Công an tỉnh Thái Bình giải quyết việc chị V.T.L., cán bộ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Bình có thuê xe của anh vào ngày 8/11 đi một số nơi trong và ngoài tỉnh Thái Bình với tổng số tiền là 2.000.000đ (hai triệu đồng), nhưng không chịu trả tiền. Trung tá V.T.L. báo cáo sự việc đúng như anh Hân trình bày và cũng xác nhận ngày 8/11, chị đã trả cho anh Hân 1 triệu đồng. Sau đó anh Hân có đòi chị L. trả thêm 2 triệu đồng nữa nhưng chị L. cho rằng giá thuê xe như vậy là cao nên chưa trả.
|
Nữ trung tá có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc. |
Cũng theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình, mẹ đẻ của Trung tá V.T.L. cho biết, thời gian gần đây, chị L. có biểu hiện tái phát bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc; trong cách ăn nói, cư xử, sinh hoạt có nhiều biểu hiện không bình thường. Bà thay mặt gia đình và con gái xin lỗi, trả tiền cho anh Bùi Đức Hân và có đơn xin cho chị V.T.L. đi chữa bệnh theo quy định. Được biết, chị L. có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, gia đình đã đưa đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình từ 29/3/2011 đến ngày 11/4/2011.
Theo trang Doctors24h.vn, rối loạn phân liệt cảm xúc là bệnh tâm lí mà người bệnh thường trải qua những đợt triệu chứng khá giống với tâm thần phân liệt như ảo giác hoặc hoang tưởng và cả triệu chứng của rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm.
Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn liệu rối loạn phân liệt cảm xúc là một tình trạng phần lớn liên quan đến tâm thần phân liệt hay rối loạn tâm trạng. Tuy nhiên, nó thường được xem và điều trị như một dạng kết hợp của cả hai tình trạng trên.
Rối loạn phân liệt cảm xúc bằng khoảng 1/3 số người mắc bệnh tâm thần phân liệt, tương đương với tỉ lệ là 0,3%. Các rối loạn này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới, 2/3 số người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc là phụ nữ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của rối loạn phân liệt cảm xúc có thể rất khác nhau từ người này sang người khác và có thể nhẹ đến nặng, bao gồm:
Trầm cảm
Chán ăn
Sụt cân hoặc tăng cân
Thay đổi giấc ngủ (ngủ rất ít hoặc rất nhiều)
Kích động (rất bồn chồn)
Thiếu năng lượng
Mất hứng thú trong các hoạt động thông thường
Cảm xúc vô dụng hay tuyệt vọng
Tự chỉ trích hoặc đổ lỗi cho bản thân
Có vấn đề về suy nghĩ hoặc tập trung
Suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự sát
Hưng cảm
Hoạt động nhiều hơn bình thường ở nơi làm việc, các hoạt động xã hội, hoặc hoạt động tình dục
|
Người rối loạn phân liệt cảm xúc thường có vấn đề về suy nghĩ hoặc tập trung. Ảnh minh họa. |
Nói nhiều hơn hoặc nhanh hơn
Các suy nghĩ đến nhanh, dồn dập
Ít có nhu cầu ngủ
Kích động
Kiêu ngạo
Dễ bị phân tâm
Có các hành vi tự phá hoại hoặc nguy hiểm (uống rượu, ăn chơi, lái xe thiếu thận trọng)
Tâm thần phân liệt
Ảo tưởng (từ chối tin vào những điều không có thực, ngay cả khi họ biết các bằng chứng thực tế)
Ảo giác (cảm nhận mọi thứ không có thực như nghe thấy tiếng nói)
Suy nghĩ lộn xộn
Hành vi bất thường
Chuyển động chậm hoặc không di chuyển
Thiếu cảm xúc trên nét mặt và lời nói
Mất động lực
Có vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các phương án điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc
Phương pháp chữa trị rối loạn phân liệt cảm xúc tốt nhất là kết hợp dùng thuốc lẫn chữa trị tâm lý, với các kỹ năng quản lý cuộc sống.
Thuốc: một số thuốc cần thiết tuỳ thuộc vào loại trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, cùng với tâm thần phân liệt. Các loại thuốc chính mà bác sĩ kê toa cho các triệu chứng như ảo giác, ảo tưởng và suy nghĩ lệch lạc này được gọi là thuốc chống loạn thần. Đối với các triệu chứng liên quan đến tâm trạng, thuốc chống trầm cảm hay ổn định tâm trạng như lithium có thể có hiệu quả. Thuốc chống loạn thần cũng có thể được sử dụng.
Tâm lý: Mục tiêu của loại hình tư vấn này là giúp bệnh nhân hiểu về căn bệnh của mình, thiết lập mục tiêu và quản lý các vấn đề hàng ngày liên quan đến bệnh. Liệu pháp gia đình nhằm giúp các thành viên trong gia đình giúp đỡ người bị rối loạn phân liệt cảm xúc hiệu quả hơn.
Đào tạo các kĩ năng: tập trung đào tạo các kĩ năng cần thiết cho công việc và giao tiếp xã hội, chăm sóc bản thân và các hoạt động khác hàng ngày, bao gồm quản lý tiền bạc và các công việc trong gia đình.
Nhập viện: các cơn tâm thần có thể đòi hỏi người bệnh phải nhập viện, đặc biệt nếu họ có ý muốn tự tử hoặc đe dọa làm tổn thương đến người khác.
Thảo Nguyên (TH)