Thu có dấu hiệu mắc bệnh hiểm nghèo xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn từ vài năm trước, tuy nhiên, tới năm 2014 thì bệnh diễn tiến có phần nặng hơn. Đặc biệt là khi Thu tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc, thời gian này em thường xuyên bị mệt, sốt không rõ nguyên nhân.
Tới đầu năm 2015, Thu bắt đầu nổi những vết mẩn đỏ, kèm theo sốt nhẹ nhưng vài ngày sau lại khỏi. Bác sĩ của đội bóng nghi ngờ em bị bệnh liên quan tới gan, máu và cấp tạm thuốc bổ làm mát gan, hoặc thuốc hạ sốt khi có cơn sốt bất thường.
|
Lê Thị Thu khỏe mạnh, nặng động và linh hoạt trên sân bóng trước khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. |
Thu chính thức phát hiện mình mắc bệnh vào khoảng đầu tháng 4/2015 sau khi tới bệnh viện khám vì bị chảy máu chân răng và máu mũi rất nhiều, cùng một lần xuất huyết bất thường khác.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, Thu bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn. Đây là căn bệnh nếu không can thiệp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay khi phát hiện ra bệnh, nữ cầu thủ Lê Thị Thu được đưa ra bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Các bác sĩ ở đây đã điều trị bằng đủ loại thuốc, truyền 50 bịch tiều cầu cho cô nhưng bệnh tình vẫn không thấy khá hơn. Sau khi thăm khám lại bệnh, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ lá lách của Thu với hy vọng kéo dài sự sống. Việc cắt bỏ là lách là bắt buộc phải làm trong phương pháp điều trị căn bệnh giảm tiểu cầu tự miễn mà nữ cầu thủ này đang mắc phải.
Tuy nhiên theo các chuyên gia thì việc cắt bỏ là lách cũng không thể khẳng định rằng đâu là cách hữu hiệu nhất để chữa căn bệnh này. Sau khi cắt bỏ lá lách, lượng tiểu cầu trong máu người bệnh có thể bình thường trở lại trong vòng 5 tháng. Sau thời gian này, tùy thuộc vào cơ thể và sức khỏe của mỗi người lượng tiểu cầu có thể suy giảm ít hoặc nhiều. Khi đó ,Thu sẽ phải tiếp tục dùng thuốc hoặc truyền tiểu cầu vào máu.
|
Nữ cầu thủ Lê Thị Thu trước và sau khi phẫu thuật chữa bệnh. Căn bệnh giảm tiểu cầu tự miễn khiến Thu chịu rất nhiều đau đớn. |
Hiện tại Thu đã cắt bỏ lá lách hơn 1 tuần, nữ tuyển thủ U19 cũng đã được cho về nhà để nghỉ ngơi và sau đó tiếp tục quay trở lại bệnh viện để thăm khám. Quá trình điều trị bệnh khiến sức khỏe của nữ tuyển thủ U19 Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.
Xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn là căn bệnh mà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân cũng như cách điều trị dứt điểm.
Khi mắc phải bệnh này, trong huyết thanh của bệnh nhân tự sinh ra một loại kháng thể bám lên màng tiểu cầu, làm tiểu cầu bị biến đổi và sẽ bị thực bào hoặc tiêu hủy dần (đặc biệt ở vùng lách). Tình trạng này gây ra hiện tượng xuất huyết do số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi giảm. Nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong do xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết võng mạc…
Trong quá trình chữa trị bệnh cho người bị giảm tiểu cầu tự miễn việc cắt lách được coi là phương pháp cấp cứu, làm giảm mạnh tình trạng thực bào đối với tiểu cầu, giảm sản xuất kháng thể chống tiểu cầu. Tuy nhiên, những trường hợp cắt lách như Thu thỉnh thoảng vẫn bị chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc mũi…
Thu Nguyên