Từ cái duyên với ngành mỹ phẩm…
Chị Trinh kể, mỹ phẩm như một mối nhân duyên đối với chị. Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, trong một gia đình mà bố mẹ mưu sinh bằng nghề bán nước giải khát. Điều kiện gia đình khó khăn, năm 17 tuổi, chị đã xin đi làm thêm, bán hàng cho một công ty mỹ phẩm để phụ giúp gia đình. Đam mê về lĩnh vực này “ngấm” vào suy nghĩ của chị lúc nào không hay.
“Hồi đó, một cô gái 17 tuổi chưa đủ trình độ để nhìn nhận, đánh giá về tiềm năng và nhu cầu thị trường, tôi của ngày đó chỉ đam mê được làm về lĩnh vực làm đẹp và ước mơ có được công ty mỹ phẩm của riêng mình thôi”- chị Trinh nhớ lại.
|
Chị Phạm Thị Minh Trinh. |
Với ước mơ của tuổi trẻ, không ngại khó, không sợ khổ, không ngừng tìm tòi, học hỏi và đặc biệt rất …liều, năm 20 tuổi, chị quyết định đứng ra thành lập công ty riêng. “Ban đầu, với muôn vàn khó khăn từ vốn liếng, tiếp cận thị trường và cả công nghệ, tôi luôn động viên mình: cố đi qua được giai đoạn đầu chông gai này, chẳng có con đường đầy hoa nào dẫn tới vinh quang cả; Thế là mỗi ngày tôi lại đi qua được một chút khó khăn”, chị Trinh chia sẻ.
Trụ được giai đoạn đầu, cuối cùng công ty của chị cũng đứng vững và có tiếng trên thị trường. Đó là những năm 2000, khi thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam đang còn mới mẻ và nhiều triển vọng.
Cơ hội đang đến với cô gái trẻ đầy năng động và đam mê kinh doanh thì chị theo tiếng gọi của tình yêu sang tận “trời Tây” sinh sống. Cũng như công việc, đam mê và khát khao về một gia đình hạnh phúc của người phụ nữ cũng cháy bỏng như vậy. Chị Trinh cho biết, trong những tháng năm trên đất Mỹ, nỗi nhớ quê hương, nhớ mỹ phẩm vẫn đeo đuổi chị mỗi ngày.
“Cách đây 3 năm, trong một lần trở về Việt Nam thăm người thân, gặp lại bạn bè trong ngành mỹ phẩm, “máu nghề” lại nổi lên khi nhận thấy thị trường mỹ phẩm của nước mình với công nghệ vẫn chưa thể cạnh tranh với các nước phát triển, thế là tôi quyết định đầu tư công nghệ để đột phá”- chị Trinh nói. Vốn khởi nghiệp bằng nghề mỹ phẩm nên chị không xa lạ gì với ngành này. Tuy nhiên, theo chị, cái mà thị trường mỹ phẩm trong nước cần lúc này là công nghệ. Trước đây, mỹ phẩm Việt chủ yếu làm thủ công. Vì thế, lần trở về này, chị tập trung đầu tư vào công nghệ, hướng đến chất lượng, nhằm cạnh tranh với các dòng mỹ phẩm nước ngoài.
Công ty TNHH SX-TM Mỹ phẩm Hoa Tulip đặt tại Thủ Đức, TPHCM của chị được đầu tư hệ thống nhà xưởng đạt chuẩn CGMP với công nghệ hiện đại, được chuyển giao từ Thái Lan và Nhật Bản. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân Việt kiều cũng chú trọng vào nhân sự, nghiên cứu thị trường và các phân khúc tiêu dùng, để cho ra đời những dòng sản phẩm phù hợp.
…Tới vương miện Hoa hậu sắc đẹp toàn cầu
Thành công và nổi tiếng trong ngành mỹ phẩm Việt, nữ doanh nhân Phạm Thị Minh Trinh vẫn không ngừng trau dồi và chăm chút vẻ đẹp bản thân mình. “Cứ như là mắc nợ cái đẹp vậy, hễ việc gì liên quan đến làm đẹp là tôi thích tìm tòi khám phá. Vì thế, khi được bạn bè động viên, khuyến khích tham gia cuộc thi Hoa hậu sắc đẹp toàn cầu 2018, được tổ chức tại BangKok – Thái Lan, tôi đã mạnh dạn tham gia. Đây là cuộc thi nhằm tìm ra hình ảnh của người phụ nữ Việt có vẻ đẹp năng động, hiện đại và trí tuệ trên toàn cầu”- chị kể.
Chị đăng ký dự thi với sự tự tin mình là một người phụ nữ có vẻ đẹp chín chắn sau khi trải qua nhiều khó khăn và thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp. Chị Trinh nghĩ giải thưởng không quá quan trọng, sự cọ xát, giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa những phụ nữ cũng đủ giúp cho mỗi chúng ta đẹp lên về hình thức và trong mỗi hành động. Có lẽ với suy nghĩ giản đơn như vậy đã tạo nên sự thoải mái và tự nhiên khiến nữ doanh nhân chiếm được cảm tình của Ban giám khảo và dành vương miện.
Trở thành hoa hậu, chắc chắn là ước mơ của bất kỳ cô gái nào, vì phụ nữ ai cũng đam mê cái đẹp. Tuy nhiên, sống và hành động vì ước mơ và đam mê đó như thế nào mới là quan trọng. Đó là lý do mà tôi không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình, nỗ lực thành công để có điều kiện và cơ hội giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn trong xã hội, được góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Lâm Trần / Tiền Phong