Vì sao không nên bỏ đi lá củ cải?
Vào mùa đông, củ cải thường là loại củ được nhiều người sử dụng để chế biến các món ăn ngon trong mâm cơm gia đình. Tuy vậy, đa phần mọi người cũng chỉ dùng củ cải mà bỏ đi phần lá xanh bên trên. Ít ai biết, lá củ cải lại rất giàu dinh dưỡng.
Trong lá củ cải đã được nghiên cứu là có chứa hàm lượng canxi cao. Theo chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100 gam lá rau củ cải có chứa 150 - 350mg canxi. Hàm lượng canxi này vượt qua cả sữa và đậu nành. Ngoài ra, lá củ cải còn chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất khác như vitamin K tốt cho quá trình hình thành xương, hệ tiêu hóa. Nguồn Beta-carotene trong lá củ cải cũng cao nên ăn nhiều cơ thể có thể chuyển hóa thành vitamin A có lợi cho da, thị giác…
Lá củ cải được dùng như bài thuốc trong đông y
Theo lương y đa khoa Hồng Minh, trong Đông Y cũng sử dụng các thành phần của củ cải từ củ đến lá… đều dùng làm thuốc. Nhựa của lá củ cải có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, trị kiết lỵ, trừ hen suyễn, tiêu đờm… Những thành phần của lá củ cải còn có tác dụng làm hạ huyết áp, giảm ho trong mùa Đông.
Lá củ cải khô vẫn được dùng để chữa đau bụng, chướng bụng. Theo đó, mọi người dùng từ 20-30g lá củ cải khô cắt từng miếng rồi đun nhỏ lửa với nước sôi khoảng 15 phút rồi uống thay lá trà.
Ngoài dùng làm thuốc, còn có thể chế biến thành những món ăn nên mọi người hãy tận dụng phần lá của củ cải này. Món quen thuộc nhất với lá củ cải là muối dưa, tuy nhiên đây cũng là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng.
Lá củ cải – nguyên liệu của nhiều món ăn ngon
1. Lá củ cải xào thịt băm
Nguyên liệu: 1 nắm lá củ cải non; 100gr thịt băm; tỏi, gừng, ớt, nước tương, dầu hào, gia vị …
Chế biến:
Bước 1: Lá củ cải nhặt bỏ những lá vàng, giữ lại phần củ cải nhỏ rồi rửa sạch. Sau đó ngâm vào nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.
Bước 2: Đổ một lượng nước vừa phải cho vào nồi đun sôi, cho thêm chút muối để chần qua lá củ cải cho bớt vị đắng. Vớt ra để ráo rồi cắt thành từng đoạn nhỏ.
Bước 3: Tỏi, gừng băm nhỏ, phi thơm rồi cho thịt băm vào đảo cho săn lại. Tiếp đó cho lá củ cải vừa sơ chế vào đảo cùng. Bạn cho thêm chút nước tương, dầu hào cùng gia vị vừa đủ vào đảo đều cho ngấm, rau chín mềm là được.
Món ăn này nên ăn nóng để cảm nhận được rõ vị của rau lá cải.
2. Lá củ cải làm dưa muối
Nguyên liệu: 1 bó lá củ cải (nên chọn loại đã có củ nhỏ); ớt, hành củ, giấm, đường hoặc nước chua có sẵn…
Cách làm: Củ cải muối dưa dùng cả phần củ và phần lá. Phần củ rửa sạch, đem bào vỏ, thái chỉ dài bằng hai đốt ngón tay. Lá nhặt sạch, cắt khúc vừa phải.
Vớt phần củ ra để ráo nước đem phơi nắng cùng phần lá, chỉ cần phơi heo héo một nắng là được. Nếu có sẵn nước dưa chua, chỉ cần nén chặt dưa vào vại, đổ nước dưa chua lên rồi cho thêm vài lát hành củ, ớt là được.
Nếu không có nước dưa chua. Bạn lấy một lượng nước đun sôi để âm ấm rồi cho đường, muối trắng khuấy đều. Sau đó cho thêm vài giọt dấm vào để cho nước nhanh chua. Tiếp đó cho phần lá củ cải vào muối, thêm ít hành củ, ớt rồi nén chặt lại. Lá củ cải muối chỉ cần một hai hôm là ăn được.
Món ăn này ăn kèm với thịt đông rất ngon.
3. Cháo lá củ cải thịt bò
Nguyên liệu: Thịt bò, lá củ cải, gừng, tiêu đen, muối, gạo…
Cách làm:
Bước 1: Thịt bò rửa sạch rồi băm nhuyễn, thêm muối, tiêu đen vào trộn ướp cho ngấm gia vị. Lá củ cải, gừng rửa sạch cắt thành từng miếng.
Bước 2: Cho gạo vào nồi ninh, khi gạo đã nở thì cho phần thịt bò băm vào đảo đều, đun trên lửa nhỏ trong 20 phút. Tiếp đó cho lá củ cải vào, thêm gia vị vừa miệng rồi đun tới khi rau chín mềm là được. Ăn cháo này khi còn ấm rất tốt cho sức khỏe những ngày lạnh.
Lưu ý khi ăn lá củ cải
Lá củ cải tốt nhưng với những người gặp vấn đề rối loạn tuyến giáp, người đang sử dụng thuốc làm loãng máu thì không nên ăn lá củ cải muối. Ngoài ra, hàm lượng axit oxalic trong lá củ cải tương đối cao nên khi chế biến món ăn, mọi người nên chần qua nước sôi vừa để bớt vị đắng.
Theo Hà My/ Gia đình & Xã hội