Cô kính mến!
Bố mẹ cháu sinh được ba người con. Bố mất sớm, nay mẹ cao tuổi và đã có hiện tượng lú lẫn vài năm nay. Ba người con ba số phận rất khác nhau, dẫn đến việc như thể chia phe trong gia tộc khiến cháu rất đau đầu.
Anh cả và chị dâu chưa ly dị mà như đã vì anh trai cháu có con ngoài luồng, con trai. Vì anh không có con trai ôm bàn hờ nên chị cháu và cháu không nói gì khi mẹ lúc còn sáng suốt đã bật đèn xanh cho anh đưa thằng bé về nhận họ. Nay thì anh một nhà chị dâu một nhà nhưng với mẹ chồng thì chị một bề chu đáo, cháu rất cảm kích. Mới đây đám cưới đứa con gái thứ ba của anh chị, anh trai đã đưa đứa con trai về dự, chị dâu không nói gì trong khi cả họ thấy vui.
|
Ảnh minh họa. |
Chị gái trên cháu thì một lẽ khác. Chị học giỏi từ bé, rất có năng khiếu ngoại ngữ nên làm cho công ty nước ngoài, rồi ly dị chồng, yêu người nước ngoài và ra vào VN như cơm bữa. Công việc chị theo đuổi mang tính ích lợi cho cộng đồng cao, chị như là người của số đông, không có thời gian cho bất cứ việc gì của gia tộc, ví như ngày tuần hay ngày giỗ bố, ví như mẹ nằm viện cũng không thu xếp nổi để thay phiên với chị dâu và cháu, ví như dễ dàng bặt tăm khi cưới xin con anh cả hay con của cháu. Riêng con của chị thì không ai vắng mặt trong ngày vui của nó, vì mẹ cháu không cho phép như vậy. Mẹ tự hào và thiên vị chị.
Bây giờ tình hình đã khác. Mẹ lú lẫn phải có người chăm 24/24. Không ai khác ngoài cháu ở gần và chị dâu cũng ở gần. Chị của cháu có chi tiền để thuê người nhưng không thuê ai lâu bền được cả. Giá rất cao, phải gấp đôi số tiền hiện nay, may ra. Nhưng chị ấy không chịu hiểu. Sao những người có tiền mà lại hay chi li thế không biết.
Gia tộc rồi sẽ tan sao cô? Anh cả sẽ mang bàn thờ đi đến chỗ mà anh ấy không chính danh với vợ, anh ở trên phần đất của nhà vợ hiện tại cho. Làm sao tổ tiên ông bà nhà cháu về trong ngôi nhà của anh, trên đất nhà người? Chị dâu thì đã khổ lâu nay, rồi sẽ đặt trên vai chị cái gánh giỗ chạp mãi sao cô? Chị của cháu sống theo hiện đại, bàn thờ chùa chiền gì cũng ở bên ngoài mối quan tâm của chị ấy. Cháu đang rối bời, chồng cháu lại hay nhặng xị: đâu sẽ vào đấy, cô cứ cầm đèn chạy trước ô tô! Có cách nào tâm an mà vẫn không sứt mẻ tình thân đây cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Bây giờ ta phân tích các việc từ góc độ người mẹ, mẹ của cháu trước đã. Vì sao mẹ vồ vập đứa bé trai con ngoài luồng của anh cháu? Là vì mẹ thuần túy nông dân VN, mẹ nệ cổ, mẹ quan niệm có con trai để nối dõi, nối họ và ôm bàn thờ. Mẹ đâu có sai, mẹ sinh ra và hít thở, lớn lên, lấy chồng nuôi con…trong không khí tinh thần ấy mà. Lại nữa, vì sao mẹ tự hào và thiên vị chị của cháu? Vì mẹ sinh ra chị ấy, mẹ biết giá trị của chị bằng trái tim bao la và thấu hiểu của người mẹ. Có thể mẹ học hành không tới đâu nhưng bao giờ người mẹ cũng có ngôn ngữ của bản năng và bao quát, vì vậy mà mẹ thương yêu hết thảy con cháu, mẹ công tâm và độ lượng.
Đến lượt ta phân tích các việc từ góc độ của cháu. Vì sao cháu chán anh trai? Là vì cháu xét vấn đề theo hệ qui chiếu của người trẻ, con gái một bề như anh với vợ chính danh, đâu có sao. Cháu không thông cảm cho anh vì cháu không phải nghĩ đến nối dõi và bàn thờ nhà mình trong khi anh trai cháu nặng việc ấy. Anh có lỗi với vợ, anh đáng chê trách trước dư luận nhưng khi anh có đứa con trai đưa về thì gia tộc thấy vui, mâu thuẫn vậy đó, vì vậy mà xã hội ta phức tạp, nhiêu khê, rối rắm. Không phải vài thế hệ là ta thong dong như các nước văn minh không theo đạo hiếu, giỗ chạp, bàn thờ. Không biết đến bao giờ, tôn giáo khác, tập quán khác là văn hóa khác, gốc rễ, sâu xa, khó thay đổi.
Riêng việc cháu hậm hực với chị gái vì cháu thấy mình thua thiệt. Có không tâm lý đố kỵ trong anh chị em ruột? Có chứ, rất phổ biến. Cháu có sai không? Cháu không sai nhưng vẫn là tâm lý của người kém cỏi hơn chị. Trong khi đó, chị của cháu quan niệm làm cho cộng đồng, cống hiến cho xã hội là việc cao hơn nghĩa gia đình, tình gia tộc. Chị không sai, chị có lý do nhưng là lý do cao cả. Phật dạy, Kẻ thù lớn nhất của con người là lòng đố kỵ.
Cháu nên nói thẳng hơn với chị về đóng góp chăm sóc mẹ. Nhưng phần anh trai đâu, mẹ là tài sản chung, ai chả phải có trách nhiệm, kẻ có tiền người có công chứ. Có thể chị gái cháu thấy mình bị tận dụng, túi tiền của chị ấy bị dòm ngó. Nhưng hãy nói với chị, phàm là ai giàu hơn, người đó phải san sẻ cho người thu nhập ít. Đã không góp công mà tính kỹ trong góp tiền là chưa thực sự vì mẹ. Bởi mẹ sẽ không còn lâu nữa để mình được chi tiền. Khi ấy, khi mẹ đã nhấc mình hạc bay đi thì có núi tiền ở dưới đất cũng không làm gì được nữa rồi.
Gia tộc nào cũng có việc nọ kia, đừng hoang mang, đừng bi quan, cho rằng vậy là tàn, yếu. Quy luật mẹ già như chuối chín, lúc này mới là lúc rối vì công xá, tiền bạc. Hãy thẳng thắn trao đổi nhau để vượt qua. Còn bàn thờ tổ tiên và ba mẹ để ở đâu, sau nữa hẵng tính.
Theo Dạ Hương/NNVN