Phẫu thuật cứu trẻ 1,4kg mắc tim bẩm sinh

Google News

(Kiến Thức) - Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 9 ngày tuổi, nặng 1,47kg, mắc bệnh còn ống động mạch. Đây là ca mổ cho bệnh nhi có cân nặng nhỏ nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Khó khăn nhất là gây mê hồi sức
Cháu bé tên là Trần Khánh N., sinh ngày 13/6/2016 ở Hải Dương. Đây là một trong hai bé sinh đôi khi 37 tuần tuổi. Trong khi bé kia hoàn toàn khoẻ mạnh thì bé N. không may mắc bệnh còn ống động mạch. Ngày 19/6, cháu được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng da tái xanh. Các bác sĩ ở đây đã hội chẩn, thống nhất phải mổ sớm và mổ bằng được để đóng ống động mạch, nếu không cháu bé sẽ gặp nguy hiểm. Ca mổ do BS Đinh Xuân Huy mổ chính, kíp gây mê hồi sức có sự tham gia của BS Vương Hoàng Dung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi.
Phau thuat cuu tre 1,4kg mac tim bam sinh
Cháu N. đang đang hồi phục dần sau phẫu thuật. 
Nói về ca mổ, BS Đinh Xuân Huy cho biết, đây là ca bệnh nặng, cháu bé lại ít cân (chỉ nhỏ như con chuột). Điều cơ bản để giải quyết trường hợp của cháu bé là phải can thiệp sớm, nếu không cháu sẽ nhanh chóng rơi vào suy tim, xung huyết, có thể ngừng thở bất cứ lúc nào... Khó khăn nhất khi thực hiện ca này là việc gây mê hồi sức, chứ kỹ thuật mổ thì các bác sĩ hoàn toàn tự tin.
Theo BS Vương Hoàng Dung, do cháu bé có cân nặng thấp, chỉ 1,47kg nên các trang bị, dụng cụ mổ yêu cầu rất đặc biệt. Riêng việc chọc ven cho bé rất khó, đặt xông tiểu thì không đặt được... “Chúng tôi lên các phương án, chuẩn bị rất công phu, nếu không được theo phương án này thì chuyển sang phương án sau. Đặt xông tiểu không được thì chúng tôi theo dõi tiểu bằng cách khác... Chuẩn bị rất nhiều nhưng việc thực ít hơn thế. Bác sĩ mổ đã cắt khâu ống động mạch, đưa quả tim cháu bé trở về bình thường”, BS Vương Hoàng Dung cho hay.
Cháu bé đã không còn mang bệnh
Thực ra, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có kế hoạch mổ cho trẻ em nhỏ cân thiếu tháng từ lâu, vì vậy đã có sự chuẩn bị kỹ càng cả về thiết bị và nhân lực. Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực Nhi đã hồi sức nội khoa cho nhiều trường hợp trẻ non tháng, do vậy đến ca này không gặp bỡ ngỡ, không có chuyện “làm mò”. Sau mổ 1 tuần, cháu bé được cai máy thở. Hiện tại, cháu bé ăn tốt. Điều các bác sĩ thấy vui là sau phẫu thuật, cháu bé sẽ trở thành đứa trẻ bình thường, khoẻ mạnh, lớn lên không có di chứng của bệnh tim bẩm sinh (tất nhiên, để trẻ phát triển bình thường, vẫn cần có chế độ chăm sóc tốt và phải theo dõi).
Hiện tại, cháu bé vẫn đang được theo dõi ở Khoa Hồi sức tích cực Nhi. Việc chăm sóc dinh dưỡng cho cháu được yêu cầu rất nghiêm ngặt, ví dụ như mỗi ngày chỉ được tăng 2ml sữa (từ 10ml lên 12ml, rồi lên 14ml...), đồng thời theo dõi, nếu bé vẫn đáp ứng với số lượng sữa này thì tiếp tục tăng, nếu ăn mà không hấp thu được thì lại phải giảm lượng sữa. Khi cháu bé ăn tốt, hồi phục hoàn toàn thì sẽ trả về gia đình.
Theo BS Đinh Xuân Huy, bệnh còn ống động mạch hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ non tháng. Trong giai đoạn sinh lý, nhiều trẻ cũng còn ống động mạch nhưng thường sau 6 tháng phải bít hết. Việc còn ống động mạch nhỏ đôi khi không gây ra triệu chứng. Nhưng việc mở ống động mạch bất thường mà ống động mạch lại lớn gây ra quá nhiều máu lưu thông đến phổi và tim. Nếu không được điều trị, áp lực máu trong phổi có thể tăng và có thể làm tim suy yếu. Ở trường hợp cháu bé này, ống động mạch to bằng động mạch chủ ngực nên khi quả tim bơm máu đi thì máu lại chảy ngược trở lại, nếu không được can thiệp kịp thời, phổi sẽ ứ máu và xung huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):
Hoài Hương