|
Một ca phẫu thuật tiền liệt tuyến. |
GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ sinh sản, Bộ Y tế cho biết, tiền liệt tuyến nằm dưới bàng quang và ôm quanh cổ bàng quang. Vùng tiền liệt tuyến sau chia làm hai vùng nhỏ. Vùng ngoại vi to gấp 3 lần vùng trung tâm và là nơi phát sinh các u ác tính, các ung thư tiền liệt tuyến.
Trái lại, vùng tiền liệt tuyến nhỏ hơn nhưng lại là vùng phát sinh các u lành mà ta quen gọi là phì đại lành tính tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng đái khó, đái nhỏ giọt, có thể bí đái. Bình thường ở người trẻ dưới 40 tuổi tiền liệt chỉ có trọng lượng chừng 15 - 20g, trên tuổi này có thể to đến 25g. Khi phì đại lành tính tuyến này có thể nặng tới 50 - 100g hoặc hơn.
BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y 103 cảnh báo, phẫu thuật là một trong những biện pháp hiệu quả để chữa u, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến... Tuy nhiên, khi phẫu thuật dễ gây biến chứng nên cần biết cách nhận biết các biến chứng này tránh được tình trạng khỏi tiền liệt tuyến nhưng lại mắc các bệnh khác nặng hơn. Các biến chứng đó là nhiễm trùng vết mổ. Nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài vào trong vết mổ. Chúng định cư, sinh sôi và phân hủy vết phẫu thuật làm cho da không thể liền được.
Biến chứng thứ hai là phân đi vào đường tiểu do chẳng may bác sĩ làm thủng bàng quang và thông thương với trực tràng. Bàng quang là bọng chứa nước tiểu, còn trực tràng là bọng chứa phân. Chúng nằm sát sàn sạt bên nhau theo chiều trước sau nên khi bị thủng thì phân hoàn toàn có thể xuất hiện. Biến chứng thứ ba là nước tiểu tràn vào ổ bụng gây ra áp xe ổ bụng và viêm ổ bụng.
Ngoài ra, còn có thể nhiễm trùng thận do sau mổ, bao giờ người bệnh cũng được đặt một ống thông dẫn nước tiểu trực tiếp từ thận ra ngoài. Khi người bệnh đau, ngại đứng lên ngồi xuống, kết quả là nước tiểu không lưu thông được gây nhiễm trùng. Sau phẫu thuật có thể gây hiện tượng bất lực do viêm nhiễm làm tổn thương dây thần kinh sinh dục. Người bệnh sau phẫu thuật nếu thấy có bất thường, sốt cần khám lại ngay.
Nhật Hà