Hiện TP.HCM có 197 phòng khám đa khoa tư nhân, trong đó có 21 phòng khám đa khoa liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: 12 phòng khám đa khoa đăng ký hành nghề với quốc tịch Trung Quốc và 9 phòng khám còn lại đăng ký hành nghề với các quốc tịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp...
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài sáng 27/4. |
Năm 2016, qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính và 4 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì phát hiện 100% cơ sở vi phạm, trong đó có 2 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, Sở Y tế TP.HCM tiến hành kiểm tra 11 phòng khám đa khoa tư nhân, phạt vi phạm hành chính 10 và đình chỉ hoạt động 01 cơ sở. Kiểm tra 7 phòng khám có yếu tố nước ngoài, phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở và đình chỉ hoạt động một cơ sở.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy các phòng khám đa khoa nói chung và các phòng khám có yếu tố nước ngoài nói riêng, đa số chủ đầu tư là người nước ngoài hoặc người không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
Trình độ chuyên môn của người phiên dịch chưa đảm bảo tốt. Người bệnh phản ánh về việc hù dọa, vẽ bệnh của các phòng khám và các đối tượng "hù doạ" chính là người phiên dịch.
Phạm vi chuyên môn của các bác sĩ nước ngoài còn chung chung, chủ yếu là khám và chữa bệnh chuyên khoa ngoại. Trong khi đó, các bác sĩ Việt Nam chịu trách nhiệm chuyên môn tại phòng khám nhưng trên thực tế không được thông tin về các bệnh nhân hay trao đổi về tình trạng của bệnh nhân vì rào cản ngôn ngữ, dẫn đến không kiểm soát các hoạt động chuyên môn tại phòng khám.
Nhiều phòng khám đa khoa hiện chưa có quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị tại các phòng khám đa khoa.
Thế nhưng việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn như: Khó khăn trong việc trao đổi, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật khám chữa bệnh với chủ đầu tư, bác sĩ người nước ngoài; chủ đầu tư là người không có chuyên môn trong ngành.
Một số hành vi sai phạm chưa có điều khoản áp dụng xử phạt như kê toa trong điều trị ngoại trú; cung cấp dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật, các thủ thuật xét nghiệm do phòng khám thực hiện không đúng quy trình trong Thông tư 43|2013/TT-BYT. Hành vi "vẽ bệnh", "hù dọa" người bệnh để thực hiện thêm các thủ thuật so với chẩn đoán và điều trị ban đầu...
Đặc biệt, có một số phòng khám đa khoa liên quan yếu tố nước ngoài có hiện tượng đối phó với đoàn thanh tra như: gắn các thiết bị theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài thời gian để bác sĩ và nhân viên tìm cách đối phó; lập hồ sơ sổ sách sơ sài, ghi bằng ngôn ngữ khác không phải bằng Tiếng Việt để gây khó khăn cho các cơ quan thanh, kiểm tra trong việc xử lý vi phạm.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, qua kiểm tra phòng khám y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố trong buổi sáng 27/4 cho thấy, chuyên môn đa khoa nhưng chủ yếu khám và chẩn đoán ngoại khoa, điều trị các bệnh da liễu, giang mai... với chi phí điều trị từ 22 triệu đồng đến 35 triệu đồng.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM cần chấn chỉnh ngay, kịp thời không thể để tình trạng này tồn tại gây thiệt hại cho người bệnh.
Theo An Nhiên/Infonet