Phụ nữ mang thai có nên tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường?

Google News

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho phép những người phụ nữ mang thai tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường để bảo vệ sức khỏe.

Health đưa tin, CDC không phải là cơ quan y tế uy tín duy nhất cho phép phụ nữ mang thai tiêm mũi vắc xin COVID-19 nhắc lại. Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG) và Hội Y học bà mẹ và thai nhi (SMFM) đều khuyến khích thai phụ tiêm liều vắc xin tăng cường.
“ACOG khuyến cáo rằng những người phụ nữ mang thai và sau khi sinh 6 tuần, bao gồm cả nhân viên chăm sóc sức khỏe, nên tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường nếu đáp ứng đủ điều kiện”, trích thông báo của ACOG.
Phu nu mang thai co nen tiem mui vac xin COVID-19 tang cuong?
 Phụ nữ mang thai nên tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường. Ảnh: Getty. 
ACOG cho biết thêm, các khuyến nghị của họ phù hợp với khuyến nghị của CDC rằng: Đối với những người được tiêm vắc xin J&J thì liều nhắc lại được tiêm sau ít nhất hai tháng kể từ mũi đầu tiên, còn đối với những người tiêm vắc xin mRNA, liều tăng cường được tiêm sau mũi hai của họ 6 tháng.
SMFM cũng khuyến cáo rằng những người phụ nữ mang thai, bao gồm cả nhân viên chăm sóc sức khỏe, nên tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường ít nhất 6 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ, ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ hoặc sau khi sinh.
“Tôi nói với bệnh nhân của tôi rằng, vắc xin COVID-19, dù là mũi đầu tiên hay mũi tiêm nhắc lại, đều hoàn toàn an toàn và được khuyến khích trong thời kỳ mang thai”, Melissa Simon, một bác sĩ chuyên khoa tại Northwestern Medicine, nói với Health.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, những người mang thai nên nghĩ bản thân họ có "nguy cơ cao hơn người bình thường đối với các biến chứng do COVID-19". Ông cũng khuyên họ tiêm liều tăng cường.
“Chúng tôi không nhìn thấy nhiều rủi ro từ vắc xin, nhưng chúng tôi đã chứng kiến các ca nhiễm COVID-19 và tử vong. Việc tiêm mũi tăng cường trong thời kỳ mang thai là hợp lý khi có dữ liệu chỉ ra rằng khả năng miễn dịch suy giảm sau 6 tháng (tiêm vắc xin)”, tờ Health dẫn lời Christine Greves, một bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Winnie Palmer ở Orlando, bang Florida (Mỹ), cho biết.

Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)

An An