Phút căng não quyết định cứu nạn nhân khỏi cửa tử cận kề

Google News

Phương pháp cuối cùng được các chuyên gia tính tới là kỹ thuật ECMO- chạy máy phổi nhân tạo.

Ngày 22/3, tại phòng họp của Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), gia đình bệnh nhân Trần Thị Khai (56 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) không ai nghĩ, bà lại có thể hoàn toàn bình phục, tươi cười để tri ân những thầy thuốc đã nỗ lực hết sức cứu chữa cho bà.
Phut cang nao quyet dinh cuu nan nhan khoi cua tu can ke
Bệnh nhân Khai (người cầm bó hoa) người đã may mắn thoát khỏi cửa tử nhờ quyết định sáng suốt của bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: NP 
Anh Nguyễn Thế Anh Tuấn, con trai bà Khai cho biết, hơn một tháng trước, bà Khai bị tai nạn giao thông. Khi chuyển tới Bệnh viện Việt Đức (được chuyển lên từ Bệnh viện 105), tình trạng của bà được ghi nhận đa chấn thương rất nặng, gồm chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, vỡ xương bả vai...
Hình ảnh phim chụp X-quang và CT scan cho thấy có tràn máu và khí màng phổi, đụng dập phổi trái nặng, gãy nhiều xương sườn và có chảy máu não.
“Khi đưa mẹ vào Bệnh viện 105 cấp cứu sau vụ tai nạn, gia đình đã chuẩn bị tâm lý chữa trị khó khăn, thậm chí khả năng cứu sống được là hiếm hoi” – anh Tuấn chia sẻ.
Nhưng “còn nước còn tát”, gia đình anh đã quyết định chuyển mẹ lên Bệnh viện Việt Đức. Sau 2 ngày điều trị hồi sức tại Phòng khám Cấp cứu, mẹ anh được chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực 2 - Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 sau chấn thương, bệnh nhân Khai bắt đầu có biểu hiện tình trạng suy hô hấp cấp tiến triển và thiếu ôxy máu rất nặng. Mọi biện pháp hỗ trợ cho phổi của bệnh nhân được áp dụng, nhưng lượng ôxy trong máu không cải thiện.
Nhớ lại thời điểm quyết định sinh tử đó, TS.BS Vũ Hoàng Phương – Đơn vị Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa chia sẻ: “Phương pháp cuối cùng được các chuyên gia tính tới là kỹ thuật ECMO- chạy máy phổi nhân tạo. Đây là biện pháp tình thế cuối cùng thay thế phổi của bệnh nhân bị tổn thương để tránh biến chứng suy các cơ quan nặng thêm trong thời gian chờ phổi tự phục hồi”.
Dù có nhiều lợi thế trong biện pháp này như vậy, nhưng ECMO cũng chứa rất nhiều nguy cơ rủi ro ở bệnh nhân có kèm theo chảy máu não như bệnh nhân Khai. Bởi kĩ thuật ECMO chống chỉ định trong những trường hợp bị chấn thương sọ não, nhất là khi có chảy máu não.
“Đó là chưa kể đến chi phí điều trị của phương pháp này lớn. Nhưng nếu không làm ECMO thì cơ hội sống sót cho bệnh nhân Khai là rất khó” – TS, BS Phương nói.
Nhớ lại thời điểm khó khăn trong lúc quyết định để cứu mẹ đó, anh Tuấn không khỏi bồi hồi: “Khi bác sĩ tư vấn gia đình thử kỹ thuật ECMO, dù biết tốn kém, hy vọng không nhiều nhưng gia đình vẫn muốn thử. Cũng nhờ sự kiên trì, vận may đó mà mẹ tôi đã có thể sống”.
Rất may mắn cho bệnh nhân Khai, đến ngày thứ 5, bệnh nhân mới có biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Khi đó tổn thương trong não đã tạm thời ổn định, tri giác bệnh nhân tiến triển tốt, không xấu đi.
Chạy ECMO chạy phổi nhân tạo có nghĩa là thử vận may cho bệnh nhân Khai. Để đề phòng biến chứng xuất huyết não trong khi thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ đã sử dụng liều thuốc chống đông thấp hơn so với liều khuyến cáo, gần như bằng mức của người bình thường.
Nhìn kết quả phân tích máu cho thấy tình trạng ôxy trong máu cải thiện, dấu hiệu tổn thương phổi và hội chứng suy hô hấp giảm dần ở những ngày sau đó, các bác sĩ mới thở phào vì mình đã quyết định đúng.
Sau 7 ngày hỗ trợ ECMO, không có biến chứng nào xảy ra và bệnh nhân đã tỉnh lại và ngừng được phổi nhân tạo. 4 tuần sau điều trị, bệnh nhân Khai có thể ra viện.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Gia Đình & Xã Hội