Sáng 6/8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nhận định: “Rác thải y tế trong BV bị đánh cắp”.
Theo ông Lân, người đàn ông mặc đồng phục xanh đang lựa chai nhựa, lon nhôm lẫn trong túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm mà PV ghi hình là công nhân ngoại cảnh của một đơn vị bên ngoài hợp đồng với BV. “Nhiệm vụ của ông này là chăm sóc cây cảnh, không liên quan đến việc xử lý chất thải. Ông này đã đánh cắp rác thải y tế trong BV” - ông Lân nói.
|
Người đàn ông đẩy xe chứa rác thải đến khu chứa rác trong BV Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Pháp luật TPHCM. |
Theo ông Lân, BV ký hợp đồng xử lý rác thải với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM và phân công người giám sát việc thu gom chất thải ở các khoa, phòng. Xảy ra tình trạng đánh cắp rác thải trong BV thuộc trách nhiệm người giám sát. Do đó, BV đang trong quá trình xử lý người này. “Ngoài chấm dứt hợp đồng lao động với người đánh cắp rác thải, BV còn yêu cầu bảo vệ không cho bà Võ Thị Ngọc, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM (người mua chai nhựa, lon nhôm thu gom trong BV Phạm Ngọc Thạch), ra vào BV nữa” - ông Lân trình bày.
Liên quan đến bà Ngọc, ông Phạm Trường Nhật, phụ trách môi trường UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết UBND huyện này đã ra quyết định xử phạt bà Ngọc 50 triệu đồng do lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, ảnh hưởng môi trường. UBND huyện Bình Chánh còn buộc bà Ngọc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. “Bà Ngọc đã thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý dây truyền dịch dính máu, túi đựng dung dịch phục vụ phẫu thuật… tại điểm chứa phế liệu của mình” - ông Nhật cho biết thêm.
Chất thải y tế nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường
Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, rau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học ngy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ)...
|
Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ... |
Chất thải lỏng y tế nguy hại được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn (từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm, thí nghiệm...) và sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người chăm nuôi (từ các nhà vệ sinh, giặt giũ, từ việc làm vệ sinh phòng bệnh. Đối với nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
- Đối với sức khỏe: Việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm). Các vật sắc nhọn này không chỉ gây nên những vết cắt, đâm mà còn gây nhiễm trùng các vết thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Như vậy những vật sắc nhọn ở đây được coi là loại chất thải rất nguy hiểm bởi nó gây tổn thưởng kép (vừa gây tổn thường, vừa gây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV...). Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan b. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).
Nước thải bệnh viện còn là nơi "cung cấp" các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống...
Như vậy, nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
- Đối với môi trường: Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.
Để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì ngành y tế phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế. Người đứng đầu các cơ sở y tế cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải địa phương để xử lý tiêu hủy chất thải y tế đúng qui định. Các nhân viên y tế cần thực hiện tốt việc thu gom, phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh chất thải và lưu giữ đúng quy định.
Thảo Nguyên (TH)