Đến hẹn lại lên, từ tháng 12 bệnh thủy (còn gọi là bệnh trái rạ, phỏng rạ) đầu bắt đầu xuất hiện. Từ tháng 3 tới tháng 6 là cao điểm của bệnh. Vào thời gian này lượng người nhập viện vì bệnh thủy đậu tăng đột biến, ở cả người lớn và trẻ em.
Trong 2 tháng qua, khoa nhiễm nội A người lớn Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM tiếp nhận hàng chục ca bệnh do mắc thủy đậu.
"Bệnh nhân khi nhập viện thường kèm theo bội nhiễm, như sốt, viêm họng, nhiễm trùng qua da" – một bác sĩ cho hay.
|
Trẻ mắc thủy đậu chủ yếu là lây từ người lớn |
Tính tới ngày 6/3, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang chữa trị cho 7 trẻ dưới 3 tuổi vì thủy đậu. Trong số này có trẻ mắc bệnh khi chỉ mới 1 tháng tuổi. Từ đầu năm tới nay BV đã tiếp nhận 43 ca mắc bệnh thủy đậu.
"Khi thấy mình bị nổi mụn nước, tôi đã cách ly và không cho con bú 10 ngày. Khi nốt mụn nước khô, đóng vảy tôi mới dám cho con bú, nhưng bé vẫn bị lây bệnh" – người mẹ 24 tuổi dỗ dành con gái 33 ngày tuổi đang quấy khóc, chia sẻ.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay, thời gian gần đây, số trẻ mắc thủy đậu phải nhập viện điều trị tăng cao. Trẻ mắc bệnh chủ yếu bị lây từ mẹ và người thân trong gia đình.
Theo BS Khanh, bệnh thủy đậu thường kéo dài 21 ngày mới hết lây. Nhiều trường hợp chưa có biểu hiện mụn nước, cơ thể đã ủ bệnh, lây cho người khác.
Nhiều người nghĩ rằng khi mắc thủy đậu, nếu nổi bỏng nước nhiều chừng nào thì bệnh sẽ mau hết chừng ấy là sai lầm
|
Một số người nấu nước gốc rạ để tắm trị thủy đậu là sai lầm |
"Người mắc bệnh thủy đậu nếu nổi bóng nước nhiều, sức đề kháng càng yếu, dễ bị biến chứng hơn so với người bệnh nổi bóng nước ít" - BS Khanh nói và bác bỏ quan niệm người mắc bệnh thủy đậu nên kiêng gió, không tắm rửa, trùm mềm kín.
"Cách chữa dân gian này dẫn tới dễ bị nhiễm trùng hơn, từ nhiễm trùng vết rạ dẫn tới nhiễm trùng da. Trường hợp nặng sẽ gây ra nhiễm trùng huyết nguy cơ tử vong cao" - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 chia sẻ.
BS Khanh cho biết, một số người, chủ yếu là ở vùng nông thôn chữa thủy đậu bằng cách tắm nước gốc rạ, uống nước gốc rạ.
"Do những nốt đỏ của bệnh thủy đậu giống với chân rạ nên người xưa gọi là bệnh trái rạ, từ đó họ nghĩ uống nước gốc rạ, tắm nước gốc rạ sẽ hết bệnh. Tắm nước gốc rạ không những không có tác dụng gì hết, mà đôi khi còn ngứa gây nhiễm trùng da. Uống nước gốc rạ có khi bị ngộ độc" – BS Khanh nói.
Theo Văn Đức/Vietnamnet