Mất sức đề kháng vì máy sưởi, điều hòa
Một cuộc khảo sát nhỏ do KH&ĐS thực hiện cho thấy 17 trong tổng số 30 gia đình được hỏi cho biết vào mùa đông có sử dụng máy sưởi, điều hòa nóng để giúp căn nhà ấm áp hơn, 12 trong tổng số 30 gia đình được hỏi cho biết thêm, ngay khi mùa đông tràn về là họ sử dụng điều hòa nóng, hoặc thiết bị sưởi.
Tuy nhiên, theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Hùng Lâm, chỉ khi nào thời tiết quá lạnh mới nên dùng điều hoà và máy sưởi. Việc lạm dùng điều hoà và máy sưởi vào mùa đông sẽ khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da.
Ngoài ra, thường xuyên sử dụng các thiết bị này sẽ làm cho phòng có nguy cơ thiếu gió tươi, khiến phòng ngột ngạt, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh hơn. Việc sử dụng máy điều hoà và máy sưởi quá nhiều trong thời tiết lạnh cũng khiến sức đề kháng của cơ thể giảm. Lúc này cơ thể sẽ chịu đựng được độ lạnh kém, và dễ nhiễm lạnh hơn.
Theo vị chuyên gia này, khi dùng máy điều hoà hay máy sưởi mùa đông nên chú ý đến độ ẩm hợp lý cho cơ thể như uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, bôi kem dưỡng da. Ngoài ra, về việc giữ ấm cơ thể mùa đông không nên đóng kín cửa suốt ngày để tránh gió lùa. Khi mặt trời mọc hoặc khi mọi người ra ngoài hãy mở cửa để đón ánh nắng và gió tươi vào nhà giúp lưu thông không khí.
Khô nóng vì thiếu ẩm
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 25 gia đình trên tổng số 30 gia đình được hỏi cho biết, khi sử dụng quạt sưởi họ không chú ý đến độ ẩm trong phòng. Tuy nhiên, theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học Viện Kỹ thuật Quân sự, các loại quạt sưởi trên thị trường hiện nay chủ yếu chỉ có hệ thống làm ấm mà không điều ẩm, chính vì thế dễ làm cho không khí trong phòng khô nóng.
Không khí bị đốt nóng liên tục trong phòng rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vậy nên việc tăng độ ẩm để tạo sự cân bằng cho không khí là rất cần thiết. Nếu không có điều kiện sử dụng thêm máy phun ẩm thì cũng nên đặt một chậu nước vào trong phòng có bật điều hòa, hay máy sưởi. Tuy nhiên cần chú ý thường xuyên vệ sinh sạch sẽ máy phun ẩm để tránh vi khuẩn, bụi bẩn theo hơi nước phun vào không khí, làm không khí càng ô nhiễm thêm.
Áo khoác to sụ vẫn lạnh
Khi thấy nhiệt độ giảm mạnh, nhiều người lựa chọn cách mặc theo kiểu, trong chỉ mặc áo sơ mi và ngoài mặc thêm một chiếc áo khoác to sụ. Tuy nhiên, mặc kiểu ấy, lạnh vẫn cứ lạnh. Theo TS Lynn Kerew, thuộc Trung tâm dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng Cleveland (Hoa Kỳ), mặc kiểu đó vào mùa đông là rất sai lầm.
Thay vào đó, cách mặc khoa học nhất là mặc nhiều lớp mỏng sẽ vẫn tốt hơn một lớp áo thật dày. Nhiệt lượng lưu chuyển giữa các lớp vải sẽ giúp giữ ấm cơ thể bạn. Lớp trong cùng nên mặc chất liệu vải thô hoặc lụa thoáng và làm khô mồ hôi ẩm từ cơ thể. Bên ngoài nên là một lớp nhẹ và ấm, chất liệu len hoặc lông. Lớp thứ 3 có thể là áo jacket.
Trang phục ngoài cùng để mặc khi ra đường cần chống nước và cản gió để bảo vệ bạn tối đa khỏi giá rét và mưa lạnh. Nếu cần ấm hơn, bạn có thể tăng cường lớp áo len hoặc mặc áo jacket dày. Ngoài ra, cần chú ý giữ ấm cho các đầu mút của cơ thể như bàn tay, bàn chân, tai, đỉnh đầu bằng cách đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn khi ở ngoài trời.
3 bữa không đủ
Các chuyên gia cho biết, vào mùa đông, chúng ta sẽ thường nhanh đói bởi một phần năng lượng bị tiêu hao vào việc giữ ấm cơ thể. Vì thế, chế độ dinh dưỡng là điều cần đặc biệt chú ý. Việc ăn một ngày 3 bữa như thông thường, đối với nhiều người là không đủ, vì vậy có thể ăn đến 5 bữa mỗi ngày, trong đó phải có ít nhất một bữa ăn và uống các loại thực phẩm thật nóng.
Điều này sẽ giữ nhiệt độ cơ thể bạn ấm áp suốt cả ngày. Tốt nhất các bữa ăn này nên bao gồm các thực phẩm giàu protein, rau và hoa quả. Thịt dê, súp gà nóng, thịt bò, thịt chó, dê, ngựa là rất hợp trong mùa lạnh. Ngoài ra nên tăng cường các thực phẩm nhiều lipit như mỡ cá; ăn nhiều gừng, hành tỏi, tránh ăn các loại dưa hấu, dưa chuột,...
Huy Khánh