Michelle Stevens là một chuyên gia tâm lý người Mỹ và là mẹ của một cậu con trai. Bà là tác giả cuốn sách "Sự vô tư đáng sợ: Hành trình từ sự lạm dụng và điên loạn đến đến sống sót và thành công", kể về 6 năm trong cuộc đời khi bà sống cùng sự lạm dụng của cha dượng, kẻ ấu dâm được cho đã tiếp cận mẹ của Stevens cho để xâm hại cô con gái.
Bà từng 3 lần định tự tử trước khi đến tuổi trưởng thành và rời nhà để theo học Đại học New York. Dù vậy, những vết thương trong quá khứ không kết thúc ngay với việc chuyển nhà đó.
Trong bài viết đăng trên New York Times, Stevens lý giải vì sao bà cho rằng bảo bọc không phải cách tốt nhất để ngăn con trai mình thoát khỏi những kẻ xâm hại:
Tim tôi đập nhanh khi thằng bé hôn má tôi. “Tạm biệt mẹ,” nó nói. Rồi nó cầm cặp đi. Tôi những muốn giữ con lại. Nhưng tôi đành nôn nao trong lòng thôi.
Đó là mùa hè năm 2015, con tôi chuẩn bị tham dự trại hè. Từ nhà tôi đến đó mất gần 5.000 km. Đó là lần đầu tiên nó đi máy bay một mình. Khi thằng bé đến nơi, một người lạ mặt sẽ đón và chở nó đến dãy núi Pocono. Đến một căn phòng gỗ tôi chưa từng thấy, ngủ trên chiếc giường xa lạ.
Đứa bé 9 tuổi của tôi không biết sợ là gì. Ngược lại, nó còn thấy hào hứng về chuyến phiêu lưu này. Con trai tôi độc lập một cách kỳ lạ, nhưng tôi không ngạc nhiên.
Tôi đã nuôi nấng thằng bé như thế.
|
Michelle Stevens cho rằng bất chấp những lo lắng tất yếu, cha mẹ nên "thả" con cái của họ ra để chúng có thể học được kỹ năng sinh tồn. Ảnh: Getty.
|
Áp dụng cách giáo dục này thật chẳng dễ dàng gì. Năm tôi 8 tuổi, một kẻ ấu dâm tàn bạo đã quyết định biến tôi thành nạn nhân của hắn. Hắn khủng bố tôi suốt 6 năm sau đó và khiến tôi suy sụp vì lo lắng cả phần đời còn lại.
Hắn là một giáo viên đã gạ gẫm hàng chục học sinh của mình suốt 2 thập niên. Tương tự vụ các giáo viên ở trường nội trú Choate Rosemary Hall lạm dụng tình dục các em học sinh nhiều năm liền mà không phải chịu hậu quả vừa bị phát hiện trong tuần này, hắn rất biết cách chọn nạn nhân của mình. Hắn muốn những đứa trẻ thiếu tự tin, vì các em không biết mình có thể từ chối. Các em cũng sợ hãi đến nỗi không dám nói cho ai rằng mình đang bị quấy rối.
90% các vụ lạm dụng là từ người thân
Những kẻ ấu dâm rất giỏi lừa các bậc phụ huynh. Kẻ lạm dụng tôi đã thuyết phục mẹ tôi - và nhiều bà mẹ khác - rằng hắn là một người tử tế và đáng tin cậy. Tin vào điều này, người mẹ đơn thân, bần cùng của tôi đã hăm hở chấp nhận lời đề nghị trông trẻ miễn phí của hắn. Bà nghĩ để tôi ở với hắn sẽ an toàn hơn là để tôi đi bộ một mình từ trường về nhà.
|
Tác giả Michelle Stevens. Ảnh: Vanity Fair.
|
Giờ khi đã có con, tôi nhận ra hầu hết người làm cha mẹ đều nghĩ như vậy. Họ tin rằng con mình chỉ an toàn khi được người lớn chăm sóc, một phần vì trẻ con cần được bảo vệ khỏi những đối tượng có thể sẽ là kẻ ấu dâm hay bắt cóc. Nhưng với tư cách là nhà tâm lý chuyên về các vụ lạm dụng trẻ em, tôi có thể nói chắc rằng quan niệm này hoàn toàn không có cơ sở. Việc trẻ bị người lạ bắt cóc là cực kỳ hiếm, và trong khoảng 90 % các vụ lạm dụng tình dục, thủ phạm là người mà trẻ đã quen biết trước.
Đa số các trường hợp, người này hoặc là thành viên trong gia đình, hoặc một người quen, ví dụ như huấn luyện viên, cố vấn, linh mục hay giáo viên. Trớ trêu thay, khi chúng ta để con em mình đi học và chơi thể thao, có thể ta đã đẩy trẻ vào nhiều nguy hiểm hơn so với việc để chúng nô đùa ngoài trời với bạn bè.
Hơn nữa, nghiên cứu về hoạt động vui chơi của trẻ nhỏ cho rằng khi ta không cho phép trẻ vướng vào những tình huống được cho là mạo hiểm để chúng đối mặt với các thử thách và tự đưa ra quyết định, ta đã cướp mất cơ hội phát triển sự tự tin và các kỹ năng xử lý rủi ro của trẻ. Nói cách khác, ta biến các em thành mục tiêu dễ dàng cho những tên lạm dụng mà ta đang cố giữ trẻ tránh xa.
Đó là lý do tôi luôn khuyến khích con trai mình tự làm mọi thứ. Hồi thằng bé 3 tháng tuổi, tôi để nó khóc đến cạn nước mắt để nó học được cách ngủ mà không cần đến sự giúp đỡ của tôi. Năm cu cậu lên 7, tôi bắt đầu để con ở nhà một mình trong khoảng thời gian ngày càng tăng dần lên. Và khi 9 tuổi, lúc thằng bé bày tỏ mong muốn được tự đi bộ quanh thị trấn, tôi đã để nó làm như vậy.
|
Trẻ em sẽ đối mặt với nguy cơ bị xấm hại ở mọi nơi, ngay cả trong những môi trường an toàn, quanh những người thân quen và cha mẹ không thể kiểm soát tất cả. Minh họa: trẻ em chơi đùa tại một ngôi trường vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: AFP.
|
Các kỹ năng tồn tại
Không có việc nào dễ dàng với tôi cả. Như mọi bà mẹ khác, tôi chết điếng trước ý nghĩ có chuyện gì đó xảy ra với con mình. Việc tôi bị lạm dụng có thể khiến tôi lo sợ hơn bất kỳ ai khác. Tôi đã trực tiếp trải nghiệm và biết một kẻ lạm dụng có thể đồi bại đến mức nào.
Nhưng tôi cũng biết cách tốt nhất tôi có thể bảo vệ con trai mình khỏi người xấu là để nó tập sử dụng trí óc của mình để sống sót. Thằng bé chỉ có thể làm việc đó khi tôi không lảng vảng gần bên.
Khi gửi con đến trại hè, tôi biết mình có khả năng đã đặt thằng bé vào hiểm nguy. Công việc quản trại thường thu hút những kẻ ấu dâm. Tất cả những công việc để người lớn tiếp xúc với trẻ em đều như vậy. Nhưng vì con trai tôi đã tập đánh giá rủi ro và phát triển tính tự tin, tôi hy vọng con có thể nhận ra một tình huống nguy hiểm và tự thoát ra khỏi đó. Đây là những kỹ năng sinh tồn tôi đã không có hồi ở tuổi thằng bé.
Dĩ nhiên, không có gì là chắc chắn. Những đứa trẻ tự tin và độc lập cũng có thể bị hại. Vậy nên tôi vẫn lo.
Nhưng từ lâu tôi đã quyết định rằng nhu cầu chế ngự nỗi lo của tôi sẽ không bao giờ thắng được nhu cầu lớn lên thành một người trưởng thành có khả năng tự lập của con. Vì thế, dù muốn giữ không cho con lên máy bay, tôi chọn cách ra một quyết định khó khăn không kém những quyết định tôi đã đưa ra từ khi thằng bé còn nhỏ. Tôi chọn cách trở nên dũng cảm.
Và tôi cầu rằng mùa hè sẽ nhanh chóng trôi qua.
Theo Lê Anh/Zinh news